Hồi sinh rừng ngập mặn

TRẦN HỮU 07/09/2018 02:14

Trước hiện tượng nước biển dâng cao và sự tác động của các dự án kinh tế chạy dọc ven biển, việc lựa chọn giải pháp trồng rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ môi trường lâu dài mà giúp người dân địa phương cải thiện sinh kế bền vững.

Rừng dừa được trồng mới ở xã Cẩm Thanh. Ảnh: T.H
Rừng dừa được trồng mới ở xã Cẩm Thanh. Ảnh: T.H

“Bức tường” chắn sóng

Theo đánh giá của Sở TN&MT, ngoài đô thị cổ Hội An bị ngập nặng do nước biển dâng cao, các địa phương khác cũng dự báo bị ảnh hưởng như Duy Xuyên ngập gần 16% diện tích, Điện Bàn ngập hơn 26%, Núi Thành hơn 15% diện tích. Trong khi đó, ở khu vực đầu nguồn luôn đối mặt với tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây ra ngập lụt kéo dài ở vùng đồng bằng ven biển. Từ nhiều năm qua, xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) là địa phương đi đầu trong trồng rừng ngập mặn. Qua 3 - 4 năm, bây giờ hàng chục héc ta cây dừa nước cao gần 1m nhuộm màu xanh ở cuối sông Thu Bồn. Rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) thời gian qua trở thành tour du lịch thú vị cho du khách ưa khám phá sông nước làng quê. Ngoài rừng dừa hàng chục năm tuổi chạy dọc ven sông hơn 30ha, từ năm 2017, tỉnh còn dành 25 tỷ đồng triển khai dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh. Để bảo vệ nghiêm ngặt rừng, chính quyền xã Cẩm Thanh đang lập các thủ tục xử phạt hành chính các trường hợp chặt phá rừng.

Trồng rừng ngập mặn ở Núi Thành. Ảnh: TRẦN HỮU
Trồng rừng ngập mặn ở Núi Thành. Ảnh: TRẦN HỮU

Tại các xã Tam Hòa, Tam Giang, Tam Nghĩa (Núi Thành), 2 năm trở lại đây rừng ngập mặn được bảo vệ nghiêm ngặt. Năm nay, xã Tam Hòa lập kế hoạch trồng mới rừng ngập mặn gần 8ha. Còn từ nguồn vốn dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, địa phương trồng phục hồi rừng ngập mặn là 27,45ha, trong đó trồng rừng gần 24ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 3,5ha. Tương tự, hàng năm xã Tam Hải luôn có phương án khôi phục diện tích rừng ngập mặn đã mất. Hiện nay, diện tích trồng mới rừng ngập mặn của xã Tam Hải được hơn 20ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn trên đảo lên hơn 60ha phân bố nhiều ở thôn Long Thạnh Tây, thôn Bình Trung và thôn Xuân Mỹ. Tại thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải), cộng đồng dân cư thành lập một tổ bảo vệ rừng ngập mặn gồm 8 thành viên. Tổ này có trách nhiệm tuần tra và không cho những người lạ ở nơi khác vào rừng khai thác củi làm chất đốt và bắt hàu bám vào thân cây đước mới lớn để tránh làm cây bị chết. Chính quyền xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Núi Thành tiến hành cắm mốc quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung trên đảo rộng 30ha, vừa quản lý chặt chẽ, thu gom, xử lý nước thải từ các ao nuôi vừa bảo vệ bền vững diện tích các loại rừng trên đảo.

Quy hoạch đai rừng phòng hộ

Tại quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ phát triển rừng đến năm 2020 ban hành năm 2017, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 729.756,8ha, tăng 9.834,8ha so với diện tích đất lâm nghiệp đã phê duyệt tại Quyết định 2462/QĐ-UBND ngày 9.8.2013 của UBND tỉnh. Trong đó, rừng đặc dụng 139.895,8ha (tăng 6.348,1ha), rừng phòng hộ 315.812ha (giảm 11.828,7ha), rừng sản xuất 274.048,5ha (tăng 15.315ha). Điểm đáng chú ý là rừng phòng hộ ven biển được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng.

Cùng với quy hoạch chi tiết 3 loại rừng, ngành lâm nghiệp tỉnh cũng đưa vào quy hoạch đai rừng phòng hộ ven biển theo hướng phát triển rừng ven biển có chất lượng tốt, đảm bảo tính bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng ven biển. Trong quy hoạch quỹ đất dành cho Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh còn dành hàng nghìn héc ta phát triển rừng phòng hộ ven biển. Những nguồn vốn trồng rừng thay thế cũng đã bắt đầu dịch chuyển xuống khu vực ven biển. Tại các xã thuộc huyện Thăng Bình, Núi Thành và Tam Kỳ, gần 50ha đã được trồng rừng mới, trồng dặm vào khu vực trồng rừng dự án PACSA mà Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ ở vùng cát Quảng Nam trước đây.

Tại huyện Núi Thành, Duy Xuyên, thông qua tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Ban điều phối quốc gia MFF Việt Nam đã hỗ trợ phát triển rừng ven biển một cách bài bản qua “Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai”. Thông qua các đợt tuyên truyền, gặp gỡ, giao lưu với người dân sở tại và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, Ban điều phối quốc gia MFF Việt Nam đã chuyển tải thông điệp phát triển đa dạng các hệ sinh thái rừng bằng cách tiếp cận dựa trên hợp tác, tập trung vào con người, phù hợp với chính sách và định hướng đầu tư. Qua đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong bảo vệ rừng và áp dụng kiến thức, nâng quyền cho cộng đồng và các bên liên quan, tăng cường quản lý, ổn định sinh kế và nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều quan trọng, người dân sớm nhận ra hậu quả của việc tàn phá rừng ngập mặn.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU