"Không buồn phản ứng"

C.L.B 07/09/2018 01:39

Đó là những lo ngại của ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) khi trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ, mà cụ thể là tại Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Nhận định về sai phạm tương tự xảy ra gần đây ở nhiều đơn vị, địa phương, vị đại biểu Quốc hội cho rằng những vụ việc bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của Đảng, của các tổ chức nhà nước. Thực tế thì có những nơi xử lý nghiêm minh, nhưng cũng có nơi chưa nghiêm. Cho nên bây giờ nhiều người nghe thấy những chuyện như vậy cũng chẳng buồn phản ứng nữa, họ cảm thấy quá quen rồi. Đấy là diễn biến tâm lý nguy hiểm!

“Diễn biến tâm lý nguy hiểm” như ông Bảo nói thực tế còn xảy ra từ nhiều vụ việc, hiện tượng xã hội khác, và phần lớn xuất phát từ hoạt động quản lý xã hội của cán bộ nhà nước. Một lần ngồi ghế trước trên chuyến xe khách đường dài, tôi chứng kiến tài xế phải dừng lại nhiều lần khi bắt gặp tín hiệu của Cảnh sát giao thông. Mỗi lần xe dừng lại, tài xế cầm quyển sổ kẹp một ít tiền chạy đến, xe vẫn tiếp tục nổ máy và nhanh chóng được cho đi mà không thấy lực lượng chức năng kiểm tra gì. Một em bé thấy vậy hỏi tài xế, sao chú lại đưa tiền nhiều lần vậy thì không nhận được một câu trả lời nào. Tôi cũng không buồn phản ứng hay muốn giải thích điều gì vì nghĩ chuyện đó không lạ, là chuyện của người ta. Rồi cũng như nhiều chuyện khác, diễn ra lâu ngày, dù sai trái nhưng cũng thành quen và được nhiều người cho qua, chấp nhận nó như một “quy luật” mơ hồ.

“Không buồn phản ứng” đôi khi còn là thái độ của chính những người có trách nhiệm phản ánh, kiểm tra, xử lý những sai phạm của cán bộ nhà nước. Ngoài nguyên nhân diễn ra lâu ngày thành quen, thì người ta không buồn phản ứng trước những tắc trách xảy ra trong quá trình quản lý xã hội còn bởi để xử lý nội bộ, hoặc với tâm lý nói ra thì mình được gì, thậm chí là để bảo vệ lợi ích nhóm... Cho nên nhiều vụ việc đáng lẽ phải được phát hiện sớm, từ chính nơi xảy ra sai phạm thì phải “đợi” đến khi thanh tra, kiểm tra mới lòi ra. Như trong việc sai phạm bổ nhiệm cán bộ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nhận định sai phạm thì xảy ra rất nhiều nhưng cứ khi nào công luận lên tiếng, thậm chí Thủ tướng phải chỉ đạo, cơ quan kiểm tra của Đảng vào cuộc thì mới xử lý. Còn lại nhiều vụ dằng dai đến tận bây giờ cũng chưa xử lý dứt điểm.

Ngược lại với thái độ “không buồn phản ứng” là kiểu phản ứng không tích cực dễ nhận thấy hiện nay. Tôi đã chứng kiến nhiều tình huống cán bộ chỉ trích xôn xao về sự tắc trách trong công việc của chính đồng nghiệp hoặc cơ quan của mình nhưng chỉ ở trên bàn nhậu, lúc vui vui “nói không chết ai”. Hay nhiều người dân tụ tập “than phiền” về chuyện nọ chuyện kia nhưng lại không nói gì ở buổi tiếp xúc cử tri tổ chức ở địa phương. Cùng với tình trạng “không buồn phản ứng” thì kiểu phản ứng như thế có thể là bước đệm cho “diễn biến tâm lý nguy hiểm” mà cái đích đến của nó là sự mất niềm tin như nhiều người lo ngại.

C.L.B

C.L.B