Cụ ông làm từ thiện

KHÂM ĐỨC 05/09/2018 02:19

Ngoài 80 tuổi và có thâm niên đến 14 năm làm Phó Chủ tịch Hội Từ thiện huyện Phước Sơn, nhưng cụ ông Trần Văn Sửu vẫn chưa thể ngơi nghỉ. Ông vẫn đi từng ngõ, gõ từng nhà, tìm gặp những nhà hảo tâm, đặt thùng từ thiện nơi nhà hàng, khách sạn… Biết ở đâu có những hoàn cảnh thương tâm, hoạn nạn là ông tìm đến.

Ông Trần Văn Sửu kiểm tra thùng từ thiện đặt tại một quán ăn ở Phước Sơn. Ảnh: KHÂM ĐỨC
Ông Trần Văn Sửu kiểm tra thùng từ thiện đặt tại một quán ăn ở Phước Sơn. Ảnh: KHÂM ĐỨC

Đã có rất nhiều gia đình được ông Trần Văn Sửu cưu mang, sẻ chia để vượt qua khốn khó. Đã có nhiều trẻ em nghèo, hiếu học được ông động viên, giúp đỡ để tiếp tục đến trường. Tận tâm, tận lực với công tác xã hội bằng tất cả tấm lòng; tỉ mỉ, cẩn trọng, minh bạch trong ghi chép, thanh toán mỗi khoản tiền vận động tài trợ, hay hỗ trợ người nghèo, học sinh khó khăn, là cách làm “dân vận” lâu nay của cụ Sửu. Người ta quý ông, tin ông, luôn sẵn sàng ủng hộ ông, cùng với ông chung tay làm từ thiện cũng bởi nhìn thấy cái tâm, cái tình và cái cách ông làm. Khoảng thời gian 14 năm miệt mài làm việc thiện, số kinh phí ông vận động được hơn 360 triệu đồng có thể chưa nhiều so với các hội khác, nơi khác, nhưng cũng rất ý nghĩa ở một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Phước Sơn. Nhưng có lẽ, vượt lên trên giá trị vật chất, là sự lan tỏa của tình yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc, của triết lý “sống là cho” mà ông luôn tâm niệm. Những người từng biết ông, từng “cho” ông và “nhận” được từ ông, chắc cũng sẽ thức nhận được những giá trị nhân văn lan tỏa từ ông.

Vượt qua bao khó khăn, gian khổ cả trong thời chiến lẫn sau ngày hòa bình, vợ chồng ông Sửu đã nuôi dạy 8 người con ăn học nên người, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Giờ là lúc ông có quyền nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, sum họp, vui vầy bên con cháu. Vậy nhưng, ông vẫn chưa nghỉ. “Bà con mình còn nhiều người khốn khổ, nhiều học trò nghèo cần được giúp đỡ, động viên để đến trường; mình còn sức thì phải luôn cố gắng” - ông Sửu trải lòng.    

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, ông  Sửu đã khơi gợi được lòng tin yêu, thương mến của mọi người. Cũng là một cách làm “dân vận khéo”, mà nhiều cán bộ làm dân vận học được từ ông.

KHÂM ĐỨC

KHÂM ĐỨC