Du lịch cộng đồng Mỹ Sơn
Tháng 3.2018, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, xã Duy Phú và các hộ kinh doanh homestay Mỹ Sơn đã bàn giải pháp phát triển du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, thống nhất 7 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện.
Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Củng cố bộ máy điều hành
Đến tháng 8 này, nhiều giải pháp đã thực hiện xong, hiện công tác củng cố Ban Quản lý làng đã cơ bản hoàn thiện với bộ máy Ban quản lý cộng đồng mới. Theo ông Nguyễn Phước Hùng - Trưởng ban Du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, từ khi thay mới bộ máy hoạt động, người dân trong làng đã có chuyển biến tích cực hơn về nhận thức làm du lịch, họ đang tập trung xây dựng các sản phẩm, cải tạo hạ tầng xanh. Điều kiện thuận lợi là thôn Mỹ Sơn được cấp trên chọn xây dựng thôn văn hóa kiểu mẫu nên chính quyền cũng đang đầu tư các thiết chế văn hóa, cải tạo hạ tầng nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Theo đó, 5 hộ dân trong làng được hỗ trợ xây dựng các vườn cây ăn quả, phát triển thành những khu vườn sinh thái kiểu mẫu. Các loại cây ăn quả chủ lực là bưởi da xanh, mít, bơ… được đầu tư trồng đại trà. Bên cạnh đó, xã tập trung xây dựng các không gian về cổng ngõ, đường làng xanh tại làng. Đối với tuyến đường quanh làng có chiều dài gần 2km, sẽ trồng hai hàng cau hai bên, khuyến khích các hộ dân xây dựng ngõ nhà, tường rào các loại cây xanh như chè tàu, tre, trúc, kết hợp với việc đào các hồ sen vừa tạo cảnh quan đồng thời có sản phẩm hạt sen làm quà lưu niệm và làm chè hạt sen giới thiệu cho khách sau này. Hiện tại, đã có 5 hộ dân đã cải tạo đất nông nghiệp ít có giá trị sang các hồ sen, trồng sen và nuôi cá.
Theo ông Huỳnh Tấn Lập - Phó Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, đơn vị tham gia ký cam kết, Ban Quản lý đang chủ động đề xuất với xã Duy Phú tập trung vào 2 sản phẩm chính là dầu chổi và sản phẩm trà lá dung. Sau khi xây dựng được sản phẩm chủ lực này, bước tiếp theo là tiếp tục phát triển các sản phẩm khác như nón lá, dầu mè, hạt sen, hồ tiêu. “Trước mắt tập trung vào hai sản phẩm có tính chủ lực này vì địa phương đang có tiềm năng rất lớn, Mỹ Sơn sẽ hỗ trợ việc trưng bày cũng như các khâu quảng bá sản phẩm, sau đó triển khai các bước tiếp theo”. Việc không phụ thuộc vào loại hình du lịch lưu trú mà chú trọng trong phát triển sản phẩm ở địa phương cũng đã cho thấy đã có sự thay đổi rất lớn sau khi loại hình du lịch lưu trú dựa vào homestay hiệu quả thấp. “Hiện đơn vị phối hợp với địa phương đa dạng hóa sản phẩm, liên kết trong khâu trưng bày, giới thiệu để du khách biết đến làng và tìm đến làng, sau đó mới nói đến chuyện lưu trú” - ông Lập nói thêm.
Mở rộng liên kết thực hiện
So với lúc đầu hình thành mô hình homestay Mỹ Sơn, chuỗi sản phẩm của làng được định hình là lưu trú, đi thuyền trên đập Thạch Bàn, du lịch bằng xe đạp thăm thú làng quê, xem hát bài chòi về đêm. Với sự hỗ trợ của tổ chức ILO, các sản phẩm này bước đầu đã được hình thành, Ban Quản lý khu di sản cũng đã mời các công ty về khảo sát đập Thạch Bàn, tổ chức hội thảo, gặp mặt các doanh nghiệp. Liên minh HTX Quảng Nam, Sở VH-TT&DL tổ chức tập huấn, hỗ trợ hình thành các tổ HTX dịch vụ như tổ nấu ăn, tổ cho thuê xe đạp, tổ lưu trú, tổ văn nghệ hát bài chòi, cùng với việc tập huấn các nghiệp vụ buồng phòng, mát xa cho khách… Tuy nhiên, do thiếu liên kết cùng với sự nghèo nàn của sản phẩm mà khách ít lưu trú tại làng. Lãnh đạo UBND xã Duy Phú cho biết, thời gian tới địa phương sẽ tập trung hỗ trợ cho các nhóm giải pháp về sản phẩm du lịch. Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng sẽ tập trung cho công tác liên kết, kết nối các công ty, doanh nghiệp du lịch với sản phẩm của làng bằng các hình thức như tuyên truyền quảng bá, giới thiệu, mời gọi doanh nghiệp, bên cạnh đó là hỗ trợ làng trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển du lịch cộng đồng không phải khu biệt trong phạm vi của làng mà từ làng sẽ tạo sự lan tỏa đến các làng xung quanh.
Sản phẩm du lịch trong cộng đồng đến từ những giá trị hữu hình và vô hình. Đối với cộng đồng xung quanh khu di tích Mỹ Sơn, sản phẩm rất đa dạng. Ngoài giá trị toàn cầu của di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, cảnh quan tự nhiên đẹp cùng những giá trị văn hóa lịch sử về vùng đất như các di tích Ao Vuông, hòn Đá Chồng, các địa danh văn hóa lịch sử như lăng Bà Thu Bồn, di tích sân bay An Hòa, bệnh viện Tây Đức và vùng cảnh quan sinh thái đập Thạch Bàn… Địa phương còn có các sản phẩm về nông nghiệp như hồ tiêu, cánh đồng sen, cùng các sản phẩm truyền thống như dầu chổi, đá mỹ nghệ, vườn cây ăn quả… Việc liên kết và khai thác tốt sẽ giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm về vùng đất xung quanh di sản với những sản phẩm sẽ níu chân khách ở lại với cộng đồng, khi đó loại hình lưu trú sẽ có dịp sống lại. Làng homestay Mỹ Sơn sẽ không còn đói khách.
VĂN KHOA