Mời gọi đầu tư vào Trà Nhiêu

KHÁNH LINH 02/09/2018 04:48

Được xem là điểm nhấn của du lịch Trà Nhiêu, nhưng hơn năm nay, chiếc cầu tre bắc qua khu rừng dừa nước Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã mục nát xuống cấp vẫn y vậy. Câu chuyện chiếc cầu tre một lần nữa khiến việc phát triển du lịch cộng đồng làng Trà Nhiêu thêm nhiều cản ngại.

Du lịch Trà Nhiêu cần sự vào cuộc của doanh nghiệp. Ảnh: K.LINH
Du lịch Trà Nhiêu cần sự vào cuộc của doanh nghiệp. Ảnh: K.LINH

Chuyện chiếc cầu đã mục…

Ông Huỳnh Văn Trình - tổ 37, thôn Trà Nhiêu nhớ lại, bắt đầu năm 2010 khi làng du lịch cộng đồng ra đời, khách châu Âu đến tham quan Trà Nhiêu rất nhiều, và khu dừa nước với chiếc cầu tre dài khoảng 300m luôn là điểm đến ưa thích của khách. Tuy vậy, do cách thức quản lý kém hiệu quả, nhất là việc cho tư nhân thuê khai thác tùy tiện, không bảo quản duy tu, gia cố khiến chiếc cầu nhanh chóng xuống cấp. “Du lịch Trà Nhiêu bây giờ phát triển kiểu mạnh ai nấy làm nên mới dẫn đến chuyện chiếc cầu mục hết rồi nhưng không ai đứng ra gia cố sửa chữa” - ông Trình nói. Cũng như vài hộ dân trong làng, mấy năm nay gia đình ông Trình trở thành nơi khách chọn nghỉ ngơi ăn uống sau khi tham quan làng. Dù rất muốn khách có những trải nghiệm mới lạ trong khu vực rừng dừa nhưng ông vẫn không dám đưa khách đến vì lo sợ những bất trắc, an toàn khi khách đi trên những thanh tre mục bắc qua cầu.

Nhìn lại 8 năm phát triển du lịch cộng đồng, cái được của Trà Nhiêu là đã giúp thay đổi nhận thức của người dân về du lịch, thái độ ứng xử, giao tiếp, cảnh quan môi trường; đường làng ngõ xóm cũng được chăm sóc, gìn giữ xanh, sạch hơn. Tuy nhiên, mục đích thay đổi sinh kế, mang lại thu nhập cho người dân, chia sẻ lợi ích cộng đồng… chưa được như mong đợi. Câu chuyện quản lý, khai thác chiếc cầu tre chỉ là khía cạnh nhỏ trong những tồn tại của việc phát triển du lịch cộng đồng Trà Nhiêu. Theo ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, đây là thực trạng khó khăn của du lịch Trà Nhiêu. “Mục tiêu ban đầu phát triển du lịch cộng đồng Trà Nhiêu là hướng đến cộng đồng hưởng lợi, nhưng hiện tại mục đích này không như ý muốn. Khách vẫn đến làng nhưng đa số dân không có thu nhập, chỉ trừ một số nhà có những hoạt động trải nghiệm làng nghề hay ẩm thực. Hoạt động lưu trú hầu như không có khách. Bây giờ phải có doanh nghiệp đầu tư mới phát triển được, chứ để cộng đồng tự làm thì không đủ sức” - ông Sáu chia sẻ. Cũng theo ông Sáu, hiện đã có 3 đơn vị được tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư vào Trà Nhiêu gồm Công ty Hội An Trà Nhiêu với dự án Trà Nhiêu xanh; Công ty Paris nhỏ Mũi Né với dự án nông trại xanh và Công ty du lịch Bảo Minh (Hà Nội) với dự án Sinh thái làng cau Trà Đông.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư

Làng Trà Nhiêu được đánh giá có tiềm năng và lợi thế rất lớn khi nằm cách Hội An không xa. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, thiên nhiên độc đáo. Đó không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên với những con đường làng bình yên chạy dưới lũy tre, hàng cây mà còn là những bãi bờ sông nước, là những làng nghề truyền thống gắn với cuộc sống người dân hàng bao đời nay. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hội An – Trà Nhiêu nhìn nhận, cơ hội Trà Nhiêu phát triển du lịch sẽ rất lớn nếu biết đầu tư khai thác hợp lý. Hiện tại, Công ty Hội An – Trà Nhiêu đang xúc tiến đầu tư vào dự án Trà Nhiêu xanh theo mô hình du lịch sinh thái, nhằm tái hiện làng quê sinh thái với các chương trình tour trải nghiệm tại rừng dừa cũng như xây dựng một resort mang phong cách làng quê cao cấp. Tổng diện tích 29 hecta, (bao gồm 5 hecta rừng dừa) kinh phí khoảng 90 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau khi quy hoạch, giải tỏa xong sẽ đưa người dân vào lại sinh sống làm việc bên trong, khách sẽ trải nghiệm văn hóa sống của người dân cùng với trải nghiệm rừng dừa, kết hợp những chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. “Hiện tại, tỉnh đã thông qua quy hoạch 1/500, chúng tôi đang tiếp túc chỉnh sửa thiết kế chi tiết, hoàn chỉnh thủ tục… sớm nhất đến cuối năm 2019 mới có thể động thổ” - ông Thanh cho biết.

Theo ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, ngoài kêu gọi đầu tư, huyện cũng đã xây dựng quy hoạch 1/500 cho Trà Nhiêu và đang chờ Sở Xây dựng xem xét trình tỉnh phê duyệt, sau đó sẽ triển khai. “Không chỉ Trà Nhiêu mà hầu như các điểm còn lại trên địa bàn huyện vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng vốn có. Một phần nguyên nhân là công tác quảng bá, giới thiệu và liên kết bên ngoài, nhất là việc kết nối với các công ty lữ hành chưa hiệu quả. Do đó, trọng tâm chính thời gian tới vẫn là xây dựng quy hoạch, liên kết các điểm đến du lịch tiềm năng kết hợp với bố trí nguồn vốn để triển khai quy hoạch này. Mong muốn của huyện hiện nay là kêu gọi đầu tư theo hình thức công - tư, nhà nước thực hiện chức năng về quản lý, còn các doanh nghiệp sẽ đầu tư và tổ chức hoạt động kinh doanh. Với cách làm này hy vọng thời gian tới không chỉ Trà Nhiêu mà các điểm du lịch khác của Duy Xuyên cũng sẽ có những khởi sắc mới” - ông Cường cho hay.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH