ASEAN trong xu thế công nghiệp 4.0

QUỐC HƯNG 01/09/2018 03:44

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng tới toàn bộ kinh tế thế giới, mang lại cơ hội lẫn thách thức đối với ASEAN.

Tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN hiện nay.  Ảnh: mckinsey
Tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN hiện nay. Ảnh: mckinsey

Pujo Nugroho - chủ doanh nghiệp nhỏ Borneoethnic bắt đầu hoạt động tại Kalimantan (Indonesia) vào năm 2009, chuyên sản xuất các loại túi xách mây thủ công và chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Năm 2016, Borneoethnic tham gia trang bán hàng trực tuyến Shoppee. Qua đó sản phẩm Borneoethnic được quảng bá rộng rãi và tiếp cận với khách hàng nhiều nơi khác. Doanh thu của Borneoethnic nhờ vậy tăng lên 8 - 9 triệu rupiah mỗi tháng so với 3 - 5 triệu rupiah trước đó, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời Borneoethnic buộc phải sáng tạo, đa dạng mẫu mã, cải thiện chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh để thu hút khách hàng.

Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện đại trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu công nghệ sản xuất, bao gồm các hệ thống không gian mạng thực - ảo, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, điện toán nhận thức, trí tuệ nhân tạo. Câu chuyện thành công của Borneoethnic chính là nhờ vào khai thác hiệu quả một trong những đặc tính của công nghiệp 4.0 vốn đang len lỏi vào lĩnh vực bán lẻ trực tuyến bùng nổ thời gian qua. ASEAN là thị trường tiềm năng của hơn 630 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và xu hướng tiêu dùng gia tăng, trong đó 260 triệu người sử dụng internet và dự báo sẽ tăng lên 480 triệu người vào năm 2020.

Theo trang webforum, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là “xương sống” của các nền kinh tế ASEAN với khoảng 80% đến 90% doanh nghiệp trong ASEAN là DNVVN. Sự gia tăng của các thị trường kỹ thuật số và dịch vụ trực tuyến có thể trao quyền cho các DNVVN giao dịch, kết nối, tiếp cận và mở rộng quy mô thị trường với chi phí thấp và thời gian ngắn hơn. Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều công nghệ đột phá sáng tạo giúp tăng năng suất, hiệu quả lao động, và đang làm thay đổi châu Á, bao gồm ASEAN. Cuộc cách mạng này đang loại bỏ phương thức quản trị và mô hình kinh doanh cũ được nhiều quốc gia phát triển áp dụng hiệu quả.

Tuy vậy, một trong những thách thức lớn của cách mạng 4.0 được đề cập nhiều là tình trạng mất việc làm do tự động hóa cao như người máy hay trí tuệ nhân tạo thay thế. Trong một hội thảo hướng tới Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN vào tháng 9 tới, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’Mohd Zamruni Khali cho rằng việc quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực và tái đào tạo lao động bị ảnh hưởng bởi công nghiệp 4.0. Việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng là vấn đề được quan tâm.

Theo tờ The Nation (Thái Lan), các quốc gia ASEAN có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau để giải quyết những thách thức đang hạn chế phát triển thông qua hội nhập khu vực. Trong xu thế công nghiệp 4.0, các thành viên ASEAN cần tập trung đặc biệt vào các công nghệ mới liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo nguồn nhân lực, an ninh mạng là những yếu tố cần thiết giúp khu vực bắt kịp xu thế, vượt qua những thách thức của công nghiệp 4.0 để phát triển thịnh vượng.

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN sẽ được tổ chức từ ngày 11 - 13.9 tại Hà Nội, có số lượng lãnh đạo các nước tham dự nhiều nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó còn có hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất thế giới, tại khu vực và Việt Nam. Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, diễn đàn nhằm thúc đẩy đối thoại và chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng và định hướng chính sách liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 tại ASEAN và trên thế giới.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG