Giăng bẫy
Từ khoản vay 10 triệu đồng ban đầu, rồi xoay vòng qua nhiều người trong 3 năm, số tiền gốc và lãi mà khổ chủ ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức phải trả là hơn 3 tỷ đồng. “Chiếc bẫy” tín dụng được giăng ra thật khủng khiếp! Nhiều người vừa đọc thông tin này từ báo chí trong mấy ngày qua, đã thốt lên như vậy.
Tôi đã từng nghe thấy nhiều vụ bê bết với các khoản vay nóng xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng có thể nói đây là vụ siêu kinh điển. Tại sao số tiền vay đẻ ra nhiều đến vậy? Tại sao nạn nhân có thể dễ dàng bị mắc bẫy, để người khác dẫn dắt qua nhiều khoản vay trị giá tăng theo cấp số nhân mà vẫn đành cam chịu trong một thời gian dài đến khi sự việc vỡ lở? Người cho vay nóng có “tinh thần thép” khi lấy tiền của người khác thì không nói làm gì, nhưng tôi không thể hình dung nổi, một phụ nữ làm sao có thể “sống chung” với nỗi âu lo nợ nần lên đến hàng tỷ đồng, trong khi chị không có lấy nổi 10 triệu đồng để trả nợ ban đầu?
Thật ra những điều tưởng như phi lý đó đã có lý do của nó, đó là sức ép và sự ma mãnh của “thế giới ngầm” rất khủng khiếp. Theo thông tin từ anh rể nạn nhân, người phụ nữ này đã từng dẫn 4 đứa con vào TP.Hồ Chí Minh để trốn nợ nhưng giang hồ tìm vào tận nơi đe dọa nên phải quay về, đủ thấy “thế giới ngầm” đã tạo sức ép lên nạn nhân như thế nào. Và chính vì sức ép đó, nên nhiều người đã dính vào “chiếc bẫy” vay nóng ngày càng lún sâu. Nhiều vụ bể nợ, chạy nợ xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh hầu hết đều có bàn tay của “thế giới ngầm”. Cách đây chưa lâu, tôi chứng kiến một tình huống rất bi thương. Một phụ nữ ở quê được biết đến là người hiền lành, chịu thương chịu khó. Chồng chị “hiền như cục đất” quanh năm đi biển, còn chị ở nhà chăn nuôi. Lúc đầu thì vài con heo, sau chị tăng quy mô lên vài chục con. Người ngoài nhìn vào thấy kinh tế gia đình anh chị rất ổn, đùng một cái rộ lên tin đồn chị bể nợ với số tiền hàng tỷ đồng. Cũng vì không chịu nổi với sức ép, cuối cùng chị tìm đến cái chết bằng những viên thuốc có công dụng tụt huyết áp. Ngày chị mất, anh chồng nói trong tiếng nấc, “vợ chồng tôi có tiêu xài chi nhiều đâu mà thâm nợ hung rứa trời”, khiến ai cũng cảm thương!
Vay nóng, huy động vốn đa cấp, đầu tư tiền ảo, tín dụng “cần tiền gọi ngay”... là những dịch vụ đang được nhiều người sử dụng và đã tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội. Điểm chung của những dịch vụ kiểu này là các thông tin liên quan thường nằm trong bóng tối, hầu hết gia đình nạn nhân, cơ quan chức năng phát hiện khi sự việc đã vỡ lở. Thậm chí đến khi chuyện đã xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc cũng rất bị động. Như ở xã Hiệp Hòa, một vị đại diện lực lượng công an xã cho hay, vì chưa nhận được đơn trình báo của gia đình nên không thể làm gì. Vì vậy vụ việc này, có thể sẽ phải nằm trong bóng tối nếu gia đình và nạn nhân chọn cách im lặng, cam chịu như lâu nay. Và đây thật ra là cách mà nhiều người dính bẫy “tín dụng đen” đã lựa chọn, và cũng là lý do để những “chiếc bẫy” tiếp tục được giăng ra...
C.B.L