Lại nghĩ về sự chính danh
1. Một anh bạn cùng đi dự một buổi họp mặt bất chợt “hủy” cuốc taxi khi xe đến đón bằng lời nói dối rằng “chúng tôi gọi xe anh nhưng tình cờ gặp bạn nên xin lỗi anh, hẹn khi khác” và kèm món tiền nhỏ cho tài xế… Khi taxi đi rồi, anh mới nói rõ lý do hủy chỉ vì “tay lái taxi mở cửa xe quá ẩu, mở cửa phía trái, phía đường xe cộ đang lưu thông, chẳng thèm quan sát, tai nạn như chơi”.
Minh họa: HIỂN TRÍ |
Như sợ bạn bè không hiểu, anh kể thêm về cái chết của một người thầy già buổi sáng tập thể dục bị tai nạn và mất ở bệnh viện chỉ vì một cánh cửa xe ô tô mở ẩu… Anh bạn tôi quá “khó tính” chăng khi nói rằng, cứ mỗi khi thấy tài xế xe mở cửa xe bất cẩn là anh thấy sợ không dám phó thác sinh mệnh của mình cho một người tùy tiện với công việc như vậy(?)… Một người bạn khác góp chuyện, rằng thời buổi này đòi hỏi mọi sự, mọi người phải “chính danh” như cụ Khổng Tử thì quá khó. Người bạn khác thì cho rằng, trước khi chính danh phải hiểu chính danh là chi, chính danh là danh phận, vị thế, vị trí của mỗi người trong xã hội và mỗi người cần có phẩm chất, năng lực thực sự của bản thân tương xứng với vị trí, vị thế xã hội ấy, con người phải có những suy nghĩ và hành động tương xứng với vị thế ấy, chức danh ấy… Người lái xe mở cửa tùy tiện như vậy thì không “chính danh” bởi việc làm (mở cửa xe) tắc trách, như thế “danh không phù hợp với thực”, bởi “bài học mở cửa xe” anh chưa thuộc. Thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu sở dĩ loạn, theo họ Khổng là bởi không chính danh (trong ý nghĩa chính danh không phải là học thuyết độc lập mà nằm trong chỉnh thể đức trị: nhân - lễ - chính danh). Không “chính danh, định phận” thì loạn bởi “danh không chính thì lời nói không thuận, lời nói không thuận thì việc không thành…”.
2. Chuyện mới đây, một trường cao đẳng sư phạm ở Tây Nguyên đã cố tình nâng điểm chuẩn từ 22 lên 23 để đánh trượt một thí sinh người đồng bào Ba na đạt 22,5 điểm thi tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn. Lý do nhà trường biện minh là “vì không đủ số lượng (sinh viên) để mở lớp, vì chỉ có một em đăng ký nguyện vọng 1 trong khi có 90% thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 ngành Giáo dục Tiểu học và ngành Giáo dục Mầm non của trường”. Hiệu trưởng nhà trường còn nói thêm cho rõ “với quy tắc trên, nếu chúng tôi không đặt 23 điểm để cho em Linh (tên thí sinh) trượt thì hệ thống tuyển sinh sẽ xem xét em trúng tuyển nguyện vọng 1, tức là nguyện vọng nhà trường không thể mở lớp. Việc trúng tuyển này đồng nghĩa với các nguyện vọng 2, 3… sẽ đóng lại hết, em Linh không thể đi học bất cứ trường nào khác” (nguồn Báo Lao động điện tử). Sau đó nhà trường nói rằng, khi đánh trượt nguyện vọng 1, em đã đỗ vào nguyện vọng 3 ngành Giáo dục Tiểu học của trường nhưng chẳng biết “em có học hay không?”.
Có hai điều đáng nói ở đây. Thứ nhất, việc tùy tiện nâng điểm sau khi đã thông báo cho công chúng rộng rãi, cho bá tánh biết “điểm chuẩn”, đích thị là nhà trường thiếu tôn trọng chính ngành nghề cao quý của mình bằng hành xử “tiền hậu bất nhất”, nói thực là “gian lận”, không chính danh. Điều này không thể biện minh là “không thể mở lớp”, trong khi một lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho rằng làm như vậy là “vi phạm quy chế xét tuyển” vì “việc xét tuyển là quyền tự chủ của các trường, tuy nhiên, điểm chuẩn là các trường phải căn cứ vào chỉ tiêu và xét từ trên xuống đến khi hết chỉ tiêu thì ra điểm chuẩn” và “dù có ½ thí sinh đăng ký vào ngành thì nhà trường phải có giải pháp tuyển thêm các đợt sau để không vi phạm quy chế xét tuyển”…
Như vậy, nhà trường vừa làm ngược quy định tuyển sinh vừa hành xử quá máy móc theo một quy chế cũng khá máy móc. Thứ hai, nhà trường cư xử thiếu tính sư phạm, thiếu xem xét cụ thể khi chưa hỏi ý kiến phụ huynh, thí sinh (trong trường hợp này chỉ có một em duy nhất) để tham khảo nguyện vọng, để tìm kiếm sự đồng thuận trước khi quyết định “nâng hay không nâng điểm”, vì việc làm này có khi làm thay đổi một số phận, một cuộc đời. Như vậy là cư xử thiếu lòng “nhân” và cũng là thiếu “lễ” - việc cư xử của bậc bề trên đối với kẻ dưới thiếu phép tắc, tùy tiện, áp đặt… gây hoang mang tâm lý xã hội, gây mất niềm tin vào an sinh xã hội.
3. Một anh bạn làm báo cho rằng, xã hội bất an là do nạn không “chính danh” trước hết ở những người đang sử dụng quyền lực không chính danh - những người để cho kẻ xấu dựa hơi quyền lực để “tha hóa quyền lực”. Bao nhiêu chiếc xe mang biển số quân đội để Út Trọc làm ăn phi pháp. Bao nhiêu nhà, đất công sản được “bán” cho Vũ Nhôm với giá rẻ như bèo không qua đấu giá minh bạch, công khai.
Rồi chuyện “cái vé lên tàu” đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông ghi thẻ lên tàu bằng chữ Việt Nam và Trung Quốc, chữ Hoa thì nằm lên trên. Ban quản lý dự án đường sắt trên cao thuộc Bộ GTVT cho rằng việc in thẻ do bên tổng thầu Trung Quốc tự ý làm để mời những người “không có chức năng nhiệm vụ” đi tàu trên tuyến đường sắt và để tránh không xảy ra sự việc tương tự họ đã họp, chấn chỉnh, cam kết không tái diễn. Sự thể không như vậy vì trước đó, người dân và báo chí phát hiện có nhà ga treo bảng song ngữ Việt - Hoa với dòng tiếng Hoa viết trước và to hơn dòng tiếng Việt, đại diện ban quản lý dự án đã rút kinh nghiệm và hứa chấn chỉnh, hứa rằng sự việc sẽ không tái diễn, rồi lại “tái diễn” vụ thẻ lên tàu tiếng Tàu…
Nói nhiều, nghĩ nhiều, mệt óc hay sẽ bị bạn đọc la lên “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Nhưng không thể không nói đúng như lời dạy của người lập ra thuyết chính danh, rằng “…Người quân tử đối với điều mình không biết thì để trống đấy. Danh không chính thì lời nói không thuận, lời không thuận thì việc không thành, việc không thành thì lễ nhạc không gầy dựng lại được, lễ nhạc không gầy lại được thì hình phạt sẽ sai cả, hình phạt không đúng thì dân sẽ bị bó tay, cho nên, người quân tử có danh tất phải nói, nói rồi tất phải làm”.
Người viết, viết ra những điều này cũng là mong được “chính danh” vậy…
PHÙNG TẤN ĐÔNG