Bản quyền Asiad
Asiad đã diễn ra gần 2 tuần song câu chuyện bản quyền truyền hình vẫn còn “nóng”. Sở dĩ “nóng” bởi sau khi VTV quyết định không mua bản quyền khiến cho người hâm mộ nháo nhào và cuối cùng vẫn có chỗ để xem trên các trang mạng, cho dù được cho là link lậu. Chưa dừng lại ở đó, một bất ngờ lớn khi VOV nhảy vào cuộc nhằm “giải cứu” cho tình yêu bóng đá của người hâm mộ nước nhà và nhà đài này đã mua được bản quyền truyền hình Asiad khi mà đội tuyển Olympic Việt Nam thi đấu xong 3 trận vòng bảng.
Một biển người xem truyền hình trực tiếp tại Quảng trường 24.3 (Tam Kỳ) trận chung kết giải U23 châu Á của đội tuyển U23 Việt Nam và Uzebekistan. |
Đúng như những gì mà chúng tôi đã từng chia sẻ, khi mà người hâm mộ Việt Nam không thể xem được Asiad có bản quyền thì các vận động viên (VĐV) nước nhà lại thi đấu vô cùng thăng hoa. Đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam xuất sắc vượt qua Nepal và Pakistan, đặc biệt là đánh bại ứng cử viên vô địch Nhật Bản để giành ngôi nhất bảng. Đội bóng đá nữ của HLV lão làng Mai Đức Chung cũng biến kình địch Thái Lan thành bại tướng. Bóng chuyền nam của chúng ta còn tạo ra chuyện “động trời” hơn khi khiến cho đội tuyển Trung Quốc hùng mạnh ôm hận thất bại với tỷ số 2-3. Dù các đội tuyển có đi xa hơn hay sớm dừng lại nhưng những kết quả đó cho thấy bóng đá và bóng chuyền Việt Nam đã có một kỳ Asiad thành công ngoài mong đợi.
Trái ngược với sự thăng hoa của VĐV Việt Nam trên đất Indonesia, hình ảnh người hâm mộ trong nước vì quá yêu các học trò của HLV Park Hang Seo nên phải cắm cúi bên chiếc laptop, smart phone hay smart tivi để xem các trang mạng trực tiếp lậu đội tuyển Olympic Việt Nam thi đấu không khỏi xót xa. Có lẽ đây là một trong những câu chuyện buồn được nhắc tới nhiều lần nữa bởi không ai tưởng tượng được ở thời đại 4.0 này mà vẫn còn cảnh xem bóng đá như cách đây vài chục năm, hình ảnh lúc được lúc mất, nhưng “có còn hơn không”! Cũng vì các đội tuyển thể thao nước nhà thi đấu thành công tại Asiad năm nay nên câu chuyện bản quyền truyền hình càng được nhắc tới với sự bức xúc.
Không bức xúc sao được khi Nhà nước đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nuôi các VĐV trong nhiều năm, kể cả gửi họ sang nước ngoài tập huấn nhằm chuẩn bị cho các kỳ đại hội lớn của khu vực như Asiad, mà người dân không được xem và cổ vũ. Chẳng thà không phục vụ khán giả các giải thể thao hoặc bóng đá hàng đầu châu Âu hay World Cup, song không thể không mua bản quyền truyền hình Asiad hay SEA games. Bởi một lẽ giản đơn, ở sân chơi này, hàng trăm VĐV nước nhà tham gia tranh tài vì màu cờ sắc áo Việt Nam. Nói cách khác, khi VĐV khoác lên mình chiếc áo mang quốc kỳ trên ngực bước ra sân tranh tài thì thể thao khi ấy không còn là chuyện vui chơi. Lớn hơn, đó là thực thi sứ mệnh phụng sự quốc gia, dân tộc. Lẽ ra Việt Nam là nước chủ nhà của Asiad 2018 nhưng sau đó xin rút lui không đăng cai vì lý do kinh tế khó khăn nhưng đến bản quyền truyền hình Asiad để phục vụ người dân cũng không có là điều khó chấp nhận.
Việt Nam có bản quyền truyền hình, dù muộn vẫn còn hơn không! Và sau câu chuyện này, có quá nhiều điều đáng suy ngẫm.
AN NHI