Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Bổ sung phương án ứng phó thiên tai
Sức tàn phá của thiên tai có thể làm “phá sản” các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Vì vậy, trong quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững phải tính toán các kịch bản phòng chống thiên tai (PCTT).
Nếu lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ giảm được các tổn thương. TRONG ẢNH: Nông dân Đại Lộc bị thiệt hại dưa hấu do lũ bất thường. |
Nơi chủ động, chỗ lúng túng
Nằm ở vùng dễ bị tổn thương chủ yếu bởi thiên tai bão lụt và hạn hán, xâm nhập mặn, nên từ nhiều năm nay, chính quyền xã Duy Phước (Duy Xuyên) luôn chủ động ứng phó, lồng ghép các nội dung PCTT vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội hàng năm. Nếu xuất hiện lũ, thì có trên dưới 800 hộ nông dân bị thiệt hại về hoa màu với diện tích hơn 127ha. Còn trong trường hợp thời tiết nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn trên các sông dẫn đến thiếu nguồn nước tưới cho cây trồng. Chỉ cần Trạm bơm 19/5 của xã Duy Phước bị xâm nhập mặn ở mức độ hơn 2% thì nhiều khả năng 350ha lúa sẽ bị ảnh hưởng nguồn nước tưới tiêu. Riêng về phát triển lĩnh vực trồng trọt, theo Chủ tịch UBND xã Duy Phước Huỳnh Thị Hường, địa phương đã có kế hoạch chuyển đổi khoảng 10ha diện tích cây trồng cạn ở những vùng khó khăn về nước, nhất là cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu.
Ngoài tranh thủ vốn cấp trên gia cố, nâng cấp các công trình công cộng, chính quyền xã Duy Phước còn chuẩn bị giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra cho các công trình phúc lợi công cộng. Mỗi năm, phát động nhân dân trồng tre chống xói lở đất ven sông Thu Bồn; bỏ một phần nguồn vốn ngân sách làm cọc tiêu báo lũ các đoạn đường thường xuyên ngập lụt (như tuyến đường 23.8, 26.3, 14.10, 20.10) để cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân. Nhằm hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn tài sản của tiểu thương, người buôn bán, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có tính toán tìm nguồn để nâng cấp chợ Gò, Vườn Khóa. Chính quyền phối hợp với cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển du lịch tại khu vực bãi bồi ven sông Mỹ Phước - Hà Nhuận, tạo đà khôi phục làng nghề dệt chiếu truyền thống An Phước. Dĩ nhiên, chính quyền kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác lợi thế sông nước, làng quê sinh thái tương thích tốt với điều kiện mưa bão, chuyển hướng từ “chủ động ứng phó sang chủ động phòng ngừa”.
Trong khi đó, các xã Tiên Mỹ (Tiên Phước) và Bình Tú (Thăng Bình) rất lúng túng trong lồng ghép các nội dung PCTT vào kế hoạch phát triển bền vững. Theo 2 địa phương này, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp trên giao chỉ là các con số định tính mà chưa tính đến ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai. Nguồn ngân sách cho hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai còn eo hẹp, chủ yếu lồng ghép từ các chương trình dự án của huyện, tỉnh. Mặt khác, hiện vẫn chưa xây dựng bản đồ về các loại thiên tai khu vực miền núi và trung du. Hơn chục người chết do sạt lở đất đá tại các huyện miền núi trong mùa mưa bão năm ngoái là lời cảnh báo về việc thiếu đầu tư đúng mức về công tác dự báo, cung cấp thông tin vùng báo động nguy hiểm để người dân cảnh giác.
Giảm được tổn thất
Chính quyền địa phương các xã Duy Phước (Duy Xuyên), Tiên Mỹ (Tiên Phước) và Bình Tú (Thăng Bình) hầu hết thừa nhận khó khăn về nguồn lực vốn khi lồng ghép PCTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay ngân sách tỉnh vẫn chưa rõ ràng trong phân bổ vốn ưu tiên đầu tư cho các giải pháp PCTT. Theo chính quyền xã Bình Tú, lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào nhiệm vụ phát triển kinh tế sẽ tiết kiệm chi phí, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực sẵn có. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nếu được lồng ghép và thực hiện sớm sẽ giảm được tổn thất, nhất là các công trình hạ tầng có mục đích sử dụng lâu dài. Điều cốt yếu, nếu lồng ghép sẽ thay đổi phương pháp tính toán, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp sát thực tế hơn.
Vừa qua, Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh tổ chức lấy ý kiến của nhiều địa phương, cập nhật thêm khung pháp lý mới về thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Thông tư 05 ngày 6.6.2016 của Bộ Kế hoạch - đầu tư. Phân tích tình trạng và khả năng chống chịu thiên tai của các đối tượng dễ bị tổn thương trong tương lai. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh thực hiện rất hiệu quả các công trình đa mục tiêu, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình và ưu tiên vốn xây dựng cho vùng trực tiếp bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu như ở xã Duy Vinh (Duy Xuyên), xã Bình Đào (Thăng Bình), Quế Xuân (Quế Sơn)… Ông Trương Xuân Tý - Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho rằng, cần lồng ghép PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển với mục đích phát triển bền vững và giảm các tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra; sử dụng có hiệu quả chi phí và nguồn nhân lực; nâng cao năng lực thích ứng thiên tai với cộng đồng dân cư…
TRẦN HỮU