Phó Giám đốc Sở KH-CN Phan Thị Á Kim: "Tùy theo đối tượng cây trồng để áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mô"
Theo bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH-CN, những lợi ích của việc nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô là không thể phủ nhận nhưng việc áp dụng phải tùy từng đối tượng cây trồng để có hiệu quả tốt nhất.
- PV:Thưa bà, nuôi cấy mô liệu có phải là giải pháp thiết thực với các ưu điểm vượt trội so với các kỹ thuật nhân giống hiện nay ở Quảng Nam?
- Bà Phan Thị Á Kim: Đây là hướng đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Đối với cây dược liệu, có hai vấn đề thường đối mặt đó là khan hiếm nguồn giống và cây sinh trưởng chậm, vì vậy việc nhân giống truyền thống thường không đáp ứng đủ nhu cầu về cây giống. Nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô sẽ góp phần giải quyết vấn đề này. Nuôi cấy mô là một bước tiến bộ so với các phương pháp nhân giống vô tính cổ điển như giâm cành, giâm chồi, gieo hạt, chiết, ghép, tách dòng. Tuy nhiên, nó không phải là giải pháp thể hiện tính ưu việt, thiết thực nhất đối với cây trồng nói chung và dược liệu nói riêng. Tùy theo đối tượng cây trồng mà áp dụng phương pháp này. Đối với cây thân thảo, thân gỗ thì nhân giống bằng theo phương pháp này rất hiệu quả, nhưng cây có múi thì khó. Riêng đối với cây sâm Ngọc Linh, việc áp dụng nhân giống bằng nuôi cấy mô đang là vấn đề nghiên cứu vì tỷ lệ sống của cây mô phụ thuộc rất lớn vào điều kiện vườn ươm, vườn trồng. Giải pháp giống hữu hiệu hiện nay đối với sâm Ngọc Linh vẫn là phương pháp gieo hạt truyền thống.
- PV: Liệu cây dược liệu nuôi cấy mô ra vườn ươm, ra điều kiện tự nhiên có đảm bảo tỷ lệ sống sót như kỳ vọng và bà có thể cho khuyến cáo cụ thể hơn trong việc triển khai giải pháp này?
- Bà Phan Thị Á Kim: Vấn đề đưa cây nuôi cấy mô ra vườn ươm được quan tâm rất nhiều không chỉ đối với cây dược liệu, vì tỷ lệ sống sót của cây con phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cây trồng, giá thể, tiêu chuẩn cây con ra vườn ươm, điều kiện vườn ươm (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật trồng, chăm sóc...). Đối với vườn trồng, còn phụ thuộc vào mùa vụ trồng, địa điểm trồng, tiêu chuẩn cây con đem trồng, phân bón, thâm canh, chăm sóc... Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống của cây con trong vườn ươm đạt hơn 90%, chẳng hạn, tác giả Bùi Văn Thắng - Trường Đại học Lâm nghiệp đã nghiên cứu thành công giá thể huấn luyện cây hà thủ ô đỏ theo phương pháp “in vitro”. Theo đó, cây con hoàn chỉnh được huấn luyện và chuyển ra trồng trên giá thể 30% trấu toàn tính, 20% bột xơ dừa và 50% đất, cho tỷ lệ cây sống 100%. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây con trong vườn ươm để nâng cao tỷ lệ sống của cây.
Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu trong nuôi cấy mô để đảm bảo tỷ lệ sống cây con ra vườn ươm cao hơn như nuôi cấy “in vitro” ở điều kiện không sử dụng đường trước khi chuẩn bị đưa cây ra vườn, tăng thời gian thuần hóa cây con ở điều kiện vườn ươm, sử dụng máy tạo độ ẩm khi mới đưa cây con ra vườn ươm để cây con hạn chế mất nước... và đặc biệt đối với cây dược liệu phải tạo được điều kiện về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ tương tự như nơi mà cây dược liệu ngoài tự nhiên phát triển. Phải lựa chọn vùng trồng phù hợp với chúng thì khi đưa cây con “in vitro” ra trồng mới đạt tỷ lệ sống cao.
- Xin cảm ơn bà!
TRIÊU NHAN (thực hiện)