Bồi đắp tình hữu nghị

VĨNH LỘC 20/08/2018 07:28

Nhiều chương trình nhân đạo từ thiện, tạo sinh kế, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa… đã và đang được triển khai hiệu quả, góp phần bồi đắp tình hữu nghị giữa tỉnh Quảng Nam với các địa phương Nhật Bản thêm bền chặt. Đó là nhìn nhận của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm “Giao lưu hữu nghị nhân dân Quảng Nam - Nhật Bản” diễn ra tại Hội An hôm qua 19.8, trong khuôn khổ hoạt động “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”.

Thông qua mối quan hệ giao lưu, nhiều người Nhật đã tự nguyện đến làm việc tại Quảng Nam. TRONG ẢNH: Người Nhật mở lớp dạy tiếng Nhật tại Hội An. Ảnh: C.CH
Thông qua mối quan hệ giao lưu, nhiều người Nhật đã tự nguyện đến làm việc tại Quảng Nam. TRONG ẢNH: Người Nhật mở lớp dạy tiếng Nhật tại Hội An. Ảnh: C.CH

Hỗ trợ nhiều lĩnh vực

Theo ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, thông qua việc kết nối với các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản, nhiều dự án đã và đang được triển khai hiệu quả tại Quảng Nam. Điển hình như dự án “Cải thiện môi trường nước khu vực Chùa Cầu (Hội An); dự án hỗ trợ xây dựng “Thành phố Hội An - Thành phố sinh thái”; dự án hỗ trợ phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm du lịch; dự án hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số tại huyện Nam Giang; dự án đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp vùng sâu vùng xa…

Tại làng rau Hưng Mỹ (Bình Triều, Thăng Bình), từ năm 2016 thông qua sự tư vấn, hỗ trợ của tổ chức JICA, các chuyên gia thành phố Minamiboso (Nhật Bản) đã trợ giúp người nông dân nơi đây những kỹ thuật về gieo trồng, hệ thống tưới, nhà lưới che nắng che mưa, đặc biệt là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm… Ông Hồ Sơn Ca - Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Hưng cho biết, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, năng suất rau đã tăng gần 30% so với canh tác theo phương pháp truyền thống, cùng với đó thu nhập của các thành viên hợp tác xã cũng tăng lên 8 - 9 triệu đồng/ tháng (trước đây 4 - 5 triệu đồng/tháng). “Hiện, chúng tôi đã ký được hợp đồng cung cấp rau củ quả cho công ty An Khánh, doanh nghiệp chuyên cung cấp thức ăn công nghiệp lớn nhất nhì thành phố Đà Nẵng. Tôi cho rằng, những kinh nghiệm về cách nghĩ, cách làm mà các chuyên gia Nhật Bản đã hỗ trợ, chuyển giao trong quá trình triển khai dự án rất quý báu đối với chúng tôi trong chặng đường sắp tới” - ông Ca chia sẻ.

Tăng cường giao lưu

Ông Konaka Tetsuo - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nói, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam và Quảng Nam không ngừng được vun đắp bền chặt qua thời gian. Điều đó được thể hiện qua hàng chục năm trước khi một số tổ chức Nhật Bản như FIDR; Hội Vận động tái chế rác thải của người dân Okinawa; Đại học Nữ Chiêu Hòa; thành phố Minamiboso, tỉnh Chiba… đã đến tham gia hoạt động, làm việc tại Quảng Nam và tiếp tục duy trì mối quan hệ đến ngày nay. Đặc biệt, nhiều tình nguyện viên được phái cử đến Quảng Nam, có người cùng làm việc tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho đến nay. “Điều đó chứng tỏ mối quan hệ giữa Quảng Nam và các tổ chức, địa phương Nhật Bản là rất chân tình và sâu sắc” - ông Konaka Tetsuo khẳng định. Còn ông Fumio Kato - Trưởng dự án JICA tại Quảng Nam, người đã có 12 năm ở Việt Nam chia sẻ, ông đã xem Quảng Nam là quê hương thứ hai của mình. Sau những năm tháng làm việc tại nơi đây ông nhận ra giữa mình và mảnh đất Quảng Nam đã có mối lương duyên khó tách rời. “Thời điểm sau nghỉ hưu tôi rất buồn, tuy nhiên lúc đó tôi đã có một niềm động viên to lớn chính là Quảng Nam, nơi tôi xem như quê hương của mình. Nơi có những mục tiêu đã và đang theo đuổi là nâng cao thu nhập của người dân nông thôn thông qua các dự án về nông nghiệp” - ông Fumio Kato nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, trong 30 năm qua, thành phố đã đón hàng chục nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà chuyên môn, doanh nghiệp Nhật Bản đến hợp tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đã được tổ chức và đem lại kết quả khả quan. “Ngay từ đầu những năm 1990, sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn Đô thị cổ Hội An đã được đẩy mạnh với sự tham gia của các giáo sư, sinh viên Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Chiba và nhiều cơ quan, trường học của Nhật Bản. Hợp tác giữa Hội An - Nhật Bản cũng được thể hiện trên lĩnh vực nghiên cứu, điều tra, khảo sát kiến trúc, tu bổ di tích, khảo cổ,… Nhiều dự án quy mô tại Hội An đã trở thành những công trình lịch sử minh chứng mối quan hệ lâu bền của hai bên, điển hình như dự án cải thiện chất lượng nước thải Chùa Cầu, dự án phân loại rác tại nguồn, dự án giải quyết sinh kế cho người dân Cù Lao Chàm,… hay việc xúc tiến các quan hệ hợp tác được tổ chức thường xuyên giữa một số địa phương, tổ chức của Nhật bản với Hội An đã và đang góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai bên ngày càng thực chất, sâu sắc và bền vững” - ông Sơn nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC