Khu du lịch rừng dừa Cẩm Thanh vây bủa bởi tiếng ồn (clip)
(QNO) - Trong bài báo "Bát nháo ở rừng dừa Cẩm Thanh" Báo Quảng Nam điện tử đã phản ánh tình trạng phát triển quá nóng bởi các tour du lịch sông nước, chiều khách bằng nhiều cách rất khó coi... Không chỉ có vậy, tiếng ồn từ hàng chục chiếc loa di động trên sông khiến khu vực này ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Người dân quá ngao ngán bởi suốt ngày - nhất là các ngày cuối tuần - bị những chiếc loa di động "tra tấn"....
Khu vực biểu diễn lắc thúng chai tại rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: VINH THẮNG |
Chị Lưu Thị Phương Mai (34 tuổi, trú thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) cho biết, năm 2013 chị cùng chồng là anh Vernon Edwards (quốc tịch New Zealand) đến tham quan du lịch rừng dừa Cẩm Thanh. Nhận thấy nơi đây có không gian yên tĩnh cùng cảnh sông nước thơ mộng nên vợ chồng chị quyết định đầu tư hơn 7 tỷ đồng mua đất, xây nhà định cư ở đây. Căn nhà được hoàn thành vào cuối năm 2016, họ chưa ở được bao lâu thì bị "tra tấn" bởi tiếng nhạc suốt ngày xập xình, ồn ào do những người làm tour du lịch chèo thúng mở để phục vụ du khách.
Tình trạng tiếng nhạc "tra tấn" xung quanh kiểu này xuất phát từ giữa năm 2016, tiếng nhạc ồn ào bắt đầu từ 13 giờ đến khi mặt trời lặn mỗi ngày. Để chống chọi với tiếng ồn từ những người làm tour, nhà chị Mai phải đóng kín cửa hoặc đi nơi khác đến khi mặt trời lặn thì mới quay trở về nhà.
Chèo thúng và mở nhạc to ngay trong khu vực dân cư sinh sống. Ảnh: VINH THẮNG |
"Giữa năm 2016, khi khách châu Á về du lịch tại xã Cẩm Thanh nhiều, người dân thi nhau mở nhạc - nhất là nhạc của chính nước họ để được khách vui, bo hậu. Những người làm dịch vụ thuyền thúng "tận dụng" cách này bởi mang lại nguồn thu nhập. Còn người dân sống xung quanh thì bị ảnh hưởng bởi tiếng nhạc quá ồn, không thể nghỉ ngơi hay tập trung làm việc được. Khách Tây đến đây cũng giảm đi rất nhiều" - chị Mai nói.
Mời bạn đọc xem clip:
Không những người dân mà những cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú tại rừng dừa Cẩm Thanh cũng đang khổ sở với tiếng nhạc ồn ào. Chị Đào Thị Ngọc Thanh (37 tuổi, thôn Thanh Tam Đông) mở dịch vụ homestay trong khu dân cư, có 3 phòng lưu trú chủ yếu phục vụ khách châu Âu. Nhưng từ năm 2017 đến nay, lượng khách du lịch châu Âu đến đăng ký ở tại homestay của chị sụt giảm rất nhiều do khu vực này bị ô nhiễm tiếng ồn. Ngoài ra tiếng ồn cũng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của gia đình chị.
"Tôi kinh doanh dịch vụ homestay nên du khách chủ yếu đến ở và thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng tiếng ồn từ những người làm tour du lịch chèo thúng phát ra ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của tôi. Một làng quê đẹp nhưng đang bị phá hủy hết bởi những âm thanh vô cùng khó chịu" - chị Thanh nói.
Cũng theo chị Thanh, tiếng ồn suốt ngày, nhất là những ngày nghỉ khiến cuộc sống nhiều người chứ không riêng gia đình chị bị đảo lộn, cuối tuần muốn nghỉ ngơi cũng không yên, con cái không thể tập trung học hành. Nhiều du khách đến đây lắc đầu bỏ đi trước "nạn" loa di động ồn ào quá mức.
Một số người dân sinh sống trong khu vực này nói, nếu trên phố mở dịch vụ karaoke ồn ào cỡ này lập tức bị chính quyền nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc xử phạt; còn ở đây thì mọi việc gần như thả lỏng.
Còn ông David Pannetier - một người Pháp đang làm việc tại TP.Hội An và thuê nhà ở khu vực rừng dừa Cẩm Thanh chia sẻ: "Phong cảnh ở Cẩm Thanh rất đẹp, tôi rất yêu quý nơi này. Nhưng tôi thật sự thấy tiếc nuối vì tiếng nhạc quá lớn. Cá nhân tôi thấy không thoải mái vì vấn đề này".
Trên facebook, nhiều cá nhân cũng rất bức xúc với cách làm du lịch hiện tại ở rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh VINH THẮNG |
Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã từng chứng kiến cảnh bát nháo trong hoạt động du lịch tại rừng dừa Cẩm Thanh cũng tỏ vẻ bức xúc.
Cụ thể, tài khoản facebook Mai Thanh Hải đăng tải 1 clip với cảnh hò hét ầm ĩ trong luồng âm thanh lớn của những người chèo thúng, cùng dòng trạng thái: "Cực buồn, nghe "Quảng Nam yêu thương" là nghĩ đến những hào sảng, bất khuất, tính cách mạnh mẽ. Nhưng đến rừng dừa chứng kiến những gương mặt người dân đen sạm, gân guốc nhảy cẫng trước khách và cúi rạp người nhận từng 10k (10.000 đồng) qua mái chèo ướt rượt, thấy đau đớn và vỡ vụn nhiều thứ".
Một tài khoản có quốc tịch New Zealand cũng than vãn trên facebook: "Tôi tốn rất nhiều công sức để cất được một ngôi nhà ở vùng đất này (rừng dừa Cẩm Thanh) bởi vì tôi yêu nơi này. Nhưng khi đến đây, tôi thấy cách làm tour phá vỡ bởi nhiều thứ. Tuy làm tour du lịch sinh thái nhưng giống như một sàn nhạc cho người ngoài. Tôi đang suy nghĩ nên rời khỏi căn nhà này không!".
_______________
Bài 3: Chính quyền địa phương nói gì?
PHAN VINH - THANH THẮNG