"Đi tour" ở sân bay!
Du lịch ngay tại sân bay nghe có vẻ lạ thường, nhưng đó là những tour rất thú vị và giúp chúng ta sử dụng thời gian chờ đợi transit hoặc chờ các chuyến bay bị delay vì những lý do bất khả kháng…
Wall of Peace trưng bày tại sân bay quốc tế Dulles.Ảnh: T.Đ.T |
Gần đây, tại sân bay Inchon (Hàn Quốc) có các tour miễn phí gọi là City tour hoặc Tour transit từ 1 giờ đến 5 giờ trong khi chờ đổi chuyến bay và miễn visa nhập cảnh để thu hút khách tham quan thành phố cổ Seoul và vùng phụ cận. Nhưng ngay tại sân bay Inchon, ngoài một trung tâm mua sắm sầm uất, tôi đã vào thăm trung tâm văn hóa truyền thống Hàn Quốc với lịch sử chữ viết, người sáng lập và nhiều hình ảnh, trình tấu nghệ thuật dân tộc cùng các triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống… Ở sân bay Changi Singapore hay sân bay Kuala Lumpur của Malaysia cũng có những khu vực văn hóa như vậy.
Riêng tại sân bay quốc tế Dulles ở thủ đô Washington (Mỹ), chỉ cần bước vào nhà ga, bạn có thể thấy ngay những hình ảnh của đa dạng văn hóa. Gây ấn tượng mạnh với du khách là một công trình nghệ thuật mang tên “Bức tường Hòa bình” - Wall of Peace được sáng tạo bởi nghệ sĩ người Mỹ gốc Ấn Độ Anil Revri. Đó là một hình khối cao 2,3m, rộng 2m được trang trí với những dòng chữ chạy theo chiều ngang như một cuộn giấy bằng đèn Led, thể hiện những thông điệp trích từ lời dạy của các Kinh Thánh, Phật, Hindu, Hồi giáo, Kỳ na giáo (Jainism)...
Theo tạp chí Tin tức Nghệ thuật (Art News), tác phẩm được đặt ngay tại lối vào của sân bay quốc tế Dulles nhằm nhấn mạnh đến mục tiêu không phân biệt tôn giáo và chủng tộc của người Mỹ. Những tia sáng phát ra từ các băng chữ sinh động ấy như nói với mọi người đi bộ dọc công trình nghệ thuật này một thông điệp rằng hãy xóa bỏ đi những định kiến tôn giáo và sắc tộc… Revri hy vọng rằng Wall of Peace sẽ còn được đặt ở những nơi từng xảy ra các vụ tấn công bạo lực bi thảm, bao gồm ở các vị trí từng xảy ra khủng bố ở Mumbai (Ấn Độ) và cũng được mang đến các hội nghị đối thoại về tôn giáo toàn cầu bởi theo ông, mọi tín ngưỡng đều hướng đến hòa bình cho nhân loại…
Các tác phẩm của Revri đều có mặt trong các sưu tập tại các bảo tàng như Air India, Corcoran Gallery of Art và Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Ông còn tham gia hoặc tổ chức nhiều triển lãm cá nhân tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ… Ông cho biết: “Tại Ấn Độ, gia đình tôi và cả tôi từng trải qua nỗi kinh hãi của sự cuồng tín và được nuôi dưỡng bằng các niềm tin tôn giáo khác nhau. Tôi lớn lên ở Ấn Độ 10 năm sau sự chia cắt… Cũng như hàng ngàn gia đình khác, gia đình tôi đã bỏ trốn khỏi quê cha đất tổ ở Lahore để đến New Delhi như những người đi tỵ nạn. Cho nên tôi gắn bó với những gì thuộc về hòa bình, sự khát khao, nạn đói và cố tìm ra những giá trị khả dĩ giúp nhân loại làm sáng tỏ sự khác nhau giữa các tín ngưỡng trong lịch sử…”. JW Mahoney, nhà phê bình nghệ thuật ở Mỹ nói rằng: “Trong tác phẩm của Revri, ngoài niềm vui thị giác tự nhiên, nó tạo ra một nhận thức đối với một thế giới cởi mở, tuy vô hình nhưng hiện đại. Những gì chúng ta có thể nhìn là trừu tượng hình học, nhưng những gì chúng ta nhận được là một hành trình tự nguyện quyết liệt vào trải nghiệm nguyên sơ của một thực tại vô hình bao gồm chúng ta, không phải là người xem mà là người tham gia”.
Một mình “đi tour” ở sân bay Dulles, tôi cũng đã gặp một chị công nhân tạp vụ người Lào, chị theo chồng định cư ở Mỹ và vào làm ở đây đã 5 năm. Lại gặp và nói chuyện với một kỹ thuật viên hàng không gốc Việt lúc ngồi trong phòng dành riêng cho người hút thuốc. Anh ta người gốc Sài Gòn và chờ mong một chuyến về thăm quê hương sau 40 năm xa cách. Khi dừng trước Wall of Peace trước khi đáp máy bay về nước, trong lòng tôi chợt bừng lên một tình cảm châu Á thắm thiết ngay giữa thủ đô nước Mỹ!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG