Niềm vui của Sumika và Saki ở Hội An
(QNO) - Đến từ đất nước mặt trời mọc, hai nữ tình nguyện viên Nhật Bản là Hattori Sumika (SN 1978) và Tanaka Saki (SN 1993) có tình cảm và ấn tượng đặc biệt dành cho Việt Nam từ sớm qua phim ảnh. Họ đến Hội An khi trở thành tình nguyện viên trong lĩnh vực bảo tồn kiến trúc và bảo tồn văn hoá thông qua Chương trình phái cử Tình nguyện viên của JICA.
Họ đến Hội An đã nhiều tháng nay và thấy càng muốn ở lâu hơn với Hội An.
Cả Sumika và Saki đều cho rằng môi trường ở Hội An rất đẹp và con người cũng rất thân thiện. Ảnh: VINH QUÂN |
1. Chị Hattori Sumika quê ở tỉnh Mie, thuộc miền trung Nhật Bản. Chị tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kiến trúc và làm việc cho một công ty xây dựng được 6 năm với các công việc như trang trí nội thất, kinh doanh, thiết kế, quản đốc, giám sát hiện trường,… Sau đó, chị làm cho một công ty chuyên tu bổ, phục hồi những công trình nhà gỗ có tuổi thọ từ 50 đến100 năm trong mười năm.
Những hồ sơ lưu trữ về chi tiết kiến trúc của chị Sumika có ý nghĩa hết sức quan trong trong công tác trùng tu di tích. Ảnh: VINH QUÂN |
“Sau đó tôi tham gia làm tình nguyện viên của tổ chức JICA về kiến trúc đúng với chuyên môn mà tôi có để phát huy được năng lực của mình. Tôi nghĩ mình đã có một sự lựa chọn đúng đắn khi làm việc ở phố cổ Hội An” - Sumika tâm sự.
Ông Phạm Phú Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hoá Hội An chia sẻ: “Về tác phong, thái độ và trách nhiệm của 2 chị Sumika và Saki khi bắt tay vào công việc được giao đều thực hiện rất tốt. Thời gian qua, 2 chị đã phát hiện ra nhiều vấn đề không hợp lý trong việc bảo tồn phố cổ và có những đề xuất để cơ quan có trách nhiệm điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, 2 chị có những phương pháp làm việc rất chuyên nghiệp, khiến những người xung quanh phải ngưỡng mộ và học tập theo”. |
Công việc của Sumika hiện tại là tu bổ các công trình, di tích, hỗ trợ giám sát khoa học và viết nhật ký thi công.
Chị đã xây dựng biểu mẫu báo cáo để ghi lại tình trạng di tích trước khi tu bổ, tất cả các chi tiết về gia công kết cấu, lắp ráp kiến trúc bằng vật liệu gỗ. Với hồ sơ này, chị giúp cho đơn vị thi công tu bổ, sửa chữa nhà cổ ở Hội An dù làm mới nhưng vẫn giữ được nét giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống vốn có.
Chị Sumika còn chia sẻ thêm, tuy môi trường làm việc có khác so với lúc ở Nhật Bản nhưng khó khăn không nhiều. Bởi khi làm ở đây, mọi người, nhất là những ngời bạn Việt Nam rất yêu mến chị, họ giúp đỡ chị rất nhiều trong giao tiếp.
“Tôi cảm thấy người Hội An nói riêng và người Việt nói chung rất thân thiện, dễ gần. Đặc biệt là môi trường cũng như ẩm thực ở đây có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản nên cảm thấy rất thoải mái. Chính vì vậy mà tôi đang tính đến việc khi kết thúc hoạt động tình nguyện này vào tháng 7.2019 thì sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để làm việc ở Việt Nam” - Sumika nói.
2. Khác với chị Sumika, chị Tanaka Saki (tỉnh Shizuoka, Nhật Bản) đến Việt Nam 5 tháng trước, và phải mất 1 tháng để học tiếng Việt rồi mới về Hội An làm việc. Chuyên môn của chị là bảo tàng học và làm phim. Sau khi tốt nghiệp, chị Saki đã làm việc về sản xuất phim, quảng cáo truyền hình, trang trí nội thất tại các sự kiện. Sau 2 năm làm việc, chị Saki quyết định đăng ký tham gia tình nguyện đến Hội An để làm việc về công tác trưng bày bảo tàng. Đây là lần đầu chị đến Việt Nam, nhưng trước đây chị cũng đã từng nghe những câu chuyện về Việt Nam và Hội An từ những người đã từng làm việc tại Việt Nam và cũng biết về Việt Nam qua những cuốn sách chị đọc. Ấn tượng của chị về Việt Nam rất tốt nên chị không cảm thấy lo lắng gì khi đến đây công tác.
Chị Saki rất thích công việc hiện tại ở các bảo tàng vì được làm việc đúng chuyên môn của mình. Ảnh: VINH QUÂN |
Chị Saki chia sẻ: “Ở Nhật Bản, tôi yêu mến các thành phố cổ của đất nước mình như Kyoto và Kanazawa. Tôi rất yêu thích Hội An. Không gian khu phố và những cánh đồng ở đây thật đẹp, người dân lại thân thiện,, ẩm thực ở đây rất ngon.”
Cải thiện nội dung, thiết kế, phương pháp và môi trường trưng bày trong bảo tàng; tư vấn phương pháp bảo quản hiện vật; hỗ trợ truyền thông về bảo tàng ở Hội An và các di tích chính là công việc hiện tại của chị Saki. Tuy khối lượng công việc nhiều như vậy nhưng chị không hề thấy áp lực mà ngược lại rất hăng say bởi vì được làm đúng chuyên môn mình yêu thích.
“Đến tháng 3.2020 thì nhiệm kỳ tình nguyện viên của tôi mới kết thúc nhưng tôi cảm thấy khoảng thời gian nhiệm kỳ 02 năm cũng không phải thời gian dài. Tôi muốn được làm thật nhiều việc cho công tác bảo tàng ở Hội An. Vì ở đây, tôi có cơ hội được phát triển chuyên môn và thỏa sức với những ý tưởng mới. Làm thế nào để chúng ta có thể khai thác tốt nhất giá trị văn hóa, lịch sử mà những hiện vật được trưng bày đang sở hữu. Bởi tôi nghĩ, những giá trị của các hiện vật là vô cùng” - chị Saki chia sẻ.
PHAN VINH - QUÂN HỒ