Cứu hộ chim yến non

LỮ ĐINH HÀ MY 16/08/2018 06:52

Cù Lao Chàm (TP.Hội An) có quần thể đàn chim yến lớn, cho sản lượng tổ trắng chỉ đứng  sau Khánh Hòa. Tuy nhiên, do chim non trong mùa sinh sản rơi khỏi tổ nhiều ảnh hưởng đến đàn yến nên các nhà nghiên cứu khoa học đưa ra nhiều giải pháp cứu hộ chim non bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Nhà cứu hộ chim yến non nhân tạo. Ảnh: H.M
Nhà cứu hộ chim yến non nhân tạo. Ảnh: H.M

Cách bến Cửa Đại khoảng 12 hải lý về hướng đông,  Cù Lao Chàm (CLC) có sự phân  bố của quần thể chim yến tổ trắng từ rất lâu đời với số lượng hằng trăm nghìn cá thể, cho sản lượng khoảng 1 tấn tổ yến/năm. Chim yến tổ trắng tại CLC sống và làm tổ tập trung trong 10 hang thuộc 3 đảo: Hòn Khô, Hòn Tai và Hòn Lao. Tại hang Tò Vò, một trong những hang có đàn chim yến lớn nhất CLC thuộc Hòn Lao, đoàn công tác Sở KH-CN vừa có chuyến đi kiểm tra tiến độ đề tài “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cứu hộ chim yến đảo tại CLC tỉnh Quảng Nam” do kỹ sư Huỳnh Ty làm chủ nhiệm. Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN, từ xưa đến nay tổ yến được khai thác chủ yếu bằng kinh nghiệm của người dân địa phương truyền lại qua nhiều đời, chưa có nhiều cải tiến kỹ thuật trong việc quản lý, bảo vệ đàn chim và khai thác tổ. Công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển quần thể chưa được chú trọng, đầu tư nên sản lượng bị suy giảm, kích thước và khối lượng tổ yến không cao. “Vì vậy, đề tài nghiên cứu khoa học này sẽ mở ra các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao giá trị chất và lượng và bảo vệ đàn chim yến tổ trắng tại quần đảo CLC” - ông Tích nói.

Thực tế cho thấy, chim non rơi khỏi tổ ngày càng nhiều, có năm chim rơi hàng nghìn con do nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài điều kiện thời tiết, chim non rơi chủ yếu do tranh giành thức ăn trong khi diện tích tổ quá bé dẫn đến chim yến non rơi rớt xuống hang. Có năm rơi rất nhiều, trung bình ngày rơi từ 30 -100 con. Để tìm giải pháp cứu hộ, tại các hang yến được lắp đặt hai hệ thống camera 4 mắt để theo dõi quá trình làm tổ, đẻ trứng, ấp nở, tập tính chăm sóc chim non của chim bố mẹ và rơi khỏi tổ của chim non từ các ô tiêu chuẩn được kẻ trên vách đá. Bên cạnh đó hệ thống sensor sẽ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tốc độ gió. Từ mô phỏng sẽ cho thấy sự khác nhau giữa các hang qua nhiều yếu tố và rút ra giải pháp tối ưu để cứu hộ chim non. “Để theo dõi chi tiết chim non rơi khỏi tổ chúng tôi lắp đặt các camera theo dõi 24/24, bên dưới chúng tôi có hệ thống lưới hứng để chim rớt xuống khỏi bị chấn thương, sau đó chúng tôi thu nhận về nuôi dưỡng chúng và thả bay theo đàn” - tiến sĩ Võ Tấn Phong, thư ký đề tài khoa học cho hay.

Thực hiện quá trình theo dõi từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019, thời điểm này đề tài sẽ nghiên cứu một số nội dung ban đầu như điều kiện sống, nơi làm tổ của chim yến, phân tích thành phần thức ăn của chim con để tìm cách cứu hộ và xây dựng khu nhà nuôi chim non và khu nhà tập bay đang tiến hành tại Hòn Lao. Theo Ông Huỳnh Ri - Đội phó Đội quản lý và khai thác yến CLC, giai đoạn cứu hộ chim non tốt nhất từ 7 - 10 ngày tuổi. Khi chim lớn trên 20 ngày tuổi, không thể cứu hộ được vì chúng đã quen với chim bố mẹ mớm mồi. Khoảng 35 ngày là chúng tập bay, vì vậy cho ăn ít để chim giảm trọng lượng. “Đội quản lý tự làm toàn bộ tổ nhân tạo, thức ăn đang thử nghiệm là bột dinh dưỡng, các loài côn trùng như sâu, ruồi. Đặc biệt, chúng tôi nuôi trùn quế và dế cho chim ăn để tăng dinh dưỡng cho chim non và lượng nước vì chim tự nhiên không uống nước, hằng ngày anh em chăm sóc và cho ăn 3 lần vào lúc 7h, 11h và 18h. Nuôi như thế, chúng tôi cũng phải phòng tránh các thiên địch khác như kiến, một số chim ăn thịt tấn công” - kỹ sư Huỳnh Ty, chủ nhiệm đề tài chia sẻ.

Hiện khu nhà tập bay dành cho chim yến được xây dựng tại một hang tự nhiên ở Hòn Lao. Cách đây 2 năm, việc dẫn dụ một số chim trưởng thành bằng âm thanh nhân tạo đã kéo chim bố mẹ về hang được hơn 30 tổ. Từ nhà cứu hộ chim non, sau khi đủ điều kiện trưởng thành, chim non sẽ được đưa sang nhà tập bay để thích nghi dần với điều kiện tự nhiên và tái nhập với đàn. “Khi quen dần với môi trường sống trong hang tự nhiên kết hợp nhà tập bay nhân tạo, chim sẽ sinh sôi ở đây mạnh hơn. “Trong tương lai không xa, các mô hình này sẽ là khu nghiên cứu khoa học liên hoàn về loài chim quý hiếm này” - kỹ sư Huỳnh Ty cho biết thêm.

LỮ ĐINH HÀ MY

LỮ ĐINH HÀ MY