Hiệp Đức, Phước Sơn kiến nghị đầu tư nhiều hơn cho giáo dục miền núi

X.PHÚ 16/08/2018 02:59

Tiếp tục giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển GD-ĐT giai đoạn 2013 - 2018 trên địa bàn tỉnh, ngày 15.8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn có buổi giám sát tại 2 huyện Hiệp Đức và Phước  Sơn.

Theo UBND huyện Hiệp Đức, những năm qua, địa phương đã triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, góp phần phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện toàn huyện có 27 trường từ mầm non đến THPT với hơn 9.600 học sinh; trong đó 15 trường đạt chuẩn quốc gia. Từ những khó khăn, bất cập hiện nay, địa phương kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất trường học; xem xét sửa đổi quy định về chế độ thâm niên nhà giáo theo hướng bảo lưu đối với viên chức trường học được điều động về phòng GD-ĐT; chế độ trợ cấp chuyển công tác đối với nhà giáo ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giao chỉ tiêu biên chế theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT để đảm bảo hoạt động…

Tại huyện Phước Sơn, địa phương cho biết toàn huyện có 28 trường học với hơn 7.700 học sinh. Khó khăn hiện nay là thu học phí đạt thấp, cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ, việc đào tạo sinh viên hệ cử tuyển còn bất cập giữa nhu cầu và sử dụng, chất lượng đào tạo. Trên cơ sở đó, huyện Phước Sơn kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định về nhà giáo tại Luật Giáo dục bao gồm cả các đối tượng nguyên là nhà giáo được điều động về công tác tại phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT để họ không chịu thiệt thòi về quyền lợi; giảm học phí bậc THCS; tăng cường nguồn lực đầu tư cho miền núi, nhất là trường lớp học, nhà công vụ giáo viên; điều chỉnh tăng chế độ cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; có cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát huy sự đóng góp của cộng đồng cho phát triển giáo dục.

X.PHÚ

X.PHÚ