Đổi mới marketing du lịch Quảng Nam
Việc nghiên cứu phát triển sản phẩm chưa được tiến hành một cách khoa học; hoạt động của doanh nghiệp địa phương chưa hiệu quả; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch và năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng mới trong tiêu dùng du lịch… còn hạn chế. Đó là những nhìn nhận của Tổng cục du lịch về bức tranh du lịch Quảng Nam trong một báo cáo gần đây.
Thay đổi cách thức sẽ giúp quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam hiệu quả hơn.Ảnh: K.LINH |
Đổi mới công tác quảng bá
Theo ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch (Bộ VH-TT&DL), Quảng Nam cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh… Phải tập trung vào 2 nhóm vấn đề gồm định hướng sản phẩm du lịch và định hướng thị trường khách. Trong đó, cần phát triển các thị trường với quy mô, cơ cấu hợp lý, bền vững, hiệu quả; tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác các thị trường truyền thống, trọng điểm, có nhu cầu cao đối với các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù; phát triển các thị trường mới, tăng tỷ trọng những thị trường có thời gian lưu trú dài ngày và khả năng chi tiêu cao, từng bước giảm tỷ trọng các thị trường có chất lượng, hiệu quả thấp.
Ông Hà Văn Siêu cho rằng, xây dựng và triển khai chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch rất quan trọng. Đặc biệt, hoạt động này cần phải được thực hiện trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thị trường, xác định rõ phân khúc, phân đoạn thị trường ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể. “Các chiến dịch, kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch cần được thực hiện theo hướng đặt trọng tâm vào xây dựng thương hiệu du lịch, lấy sản phẩm và thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến quảng bá chính” - ông Siêu nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo ông Phan Văn Tú – Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, việc quảng bá, xúc tiến du lịch thời gian qua phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó kinh phí hạn chế là một nguyên nhân gây khó khăn. Ngoài phát hành các bộ ấn phẩm du lịch, quảng bá truyền thông trên các trang mạng của trung tâm, bình quân mỗi năm trung tâm tham dự khoảng 5 sự kiện, gồm 2 hội chợ nước ngoài và 3 sự kiện trong nước, đón 20 – 30 đoàn famtrip, presstrip trong nước và quốc tế. “Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc tuy là thị trường truyền thống nhưng mình không thể quảng bá, giới thiệu thường xuyên được do ở xa, kinh phí hạn chế nên chủ yếu gửi thông tin cho Tổng cục du lịch quảng bá giùm, mình chỉ đi các thị trường gần như Đông Bắc Á, Đông Nam Á thôi” - ông Tú cho biết.
Ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch
Theo khảo sát của dự án EU, khoảng 60% du khách quốc tế tìm kiếm thông tin du lịch Quảng Nam từ internet, vượt xa con số 14% cách quảng bá truyền thống là các ấn phẩm, tập gấp... Theo tính toán, việc mua bán tour qua mạng sẽ giúp tiết kiệm khoảng 30% chi phí và hơn 90% thời gian cho khách du lịch, nhất là đối với du khách không thể tiếp cận thông tin du lịch qua tư vấn trực tiếp do ở xa. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho rằng, quảng bá du lịch qua website, e-mail rất hiệu quả, nhất là khi được trình bày bằng nhiều ngôn ngữ và hình ảnh để khách dễ dàng truy cập, nắm bắt thông tin. “Nếu được, có thể liên kết với các trang web nổi tiếng như google, MSN, infoseek... để du khách nước ngoài tìm kiếm và kết nối thông tin du lịch địa phương dễ dàng hơn” - ông Kỳ gợi ý.
Có thể nói, marketing du lịch không chỉ giúp tăng hiệu quả truyền thông đối với du khách trong nước mà còn góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Nam ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, việc phát triển các website, giao dịch trực tuyến, kết nối cung cấp thông tin qua mạng còn giúp du khách hưởng lợi khi dễ dàng tìm hiểu thông tin và mua tour qua website của các công ty lữ hành hoặc các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cơ sở mua sắm… tiện lợi.
Ông Hà Văn Siêu khẳng định, tiếp thị trực tuyến đang trở thành xu hướng phổ biến nhằm lôi kéo sự tham gia của du khách và các đơn vị thương mại lữ hành. Với cách làm này hiệu suất có thể đo đếm được, điều chỉnh chiến lược nhanh và khả năng hướng vào đối tượng khách cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng các trang web về điểm đến với nhiều ngôn ngữ và chất lượng cao, song song với một chiến lược truyền thông xã hội để thu hút sự tham gia của du khách quốc tế sẽ hứa hẹn mang đến những kết quả tích cực. “Quảng Nam cần xây dựng và vận hành có hiệu quả cổng thông tin xúc tiến và giao dịch du lịch, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại. Trong đó có cung cấp nền tảng phục vụ việc lên kế hoạch chuyến đi tới Quảng Nam của du khách. Đặc biệt, cần tăng cường quảng bá, quảng cáo trên internet, tạo ra sự tiện lợi và giá trị gia tăng trong trải nghiệm của khách và các tiện ích thanh toán thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin smart tourism destination” - ông Siêu nói.
KHÁNH LINH