Giải quyết khiếu nại trên lĩnh vực đất đai: Cần xem xét, vận dụng theo hướng có lợi nhất cho người dân

NGUYÊN ĐOAN 10/08/2018 07:42

(QNO) - Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đối với các ngành, địa phương tại hội nghị chuyên đề “Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong việc ban hành quyết định hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị khởi kiện tại tòa án” được tổ chức sáng nay 10.8.

Sáng 10.8, UBND tỉnh phối hợp với Viện KSND tỉnh t
Quang cảnh hội nghị chuyên đề sáng nay 10.8. Ảnh: N.Đ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu quy định pháp luật chưa rõ ràng thì các ngành, địa phương cần xem xét, áp dụng theo hướng có lợi nhất cho người dân nhưng không giải quyết mang tính vượt trội, cá biệt, gây hiệu ứng đối với những trường hợp tương tự đã chấp hành pháp luật trước đó.

Số vụ khiếu kiện tăng đột biến

Theo thông tin được Viện KSND tỉnh nêu tại hội nghị, kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực (1.7.2016) thì tranh chấp hành chính được thụ lý để giải quyết theo con đường tố tụng tại tòa án tăng đột biến. Nếu như năm 2015, các vụ khiếu kiện hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai là 79 vụ thì năm 2016 là 92 vụ, năm 2017 là 103 vụ và trong 6 tháng đầu năm 2018 là 56 vụ.

Các vụ khiếu kiện tập trung chủ yếu ở các nội dung bồi thường hỗ trợ, tái định cư; việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất đai...

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Đình Lân cho biết, viện kiểm sát và TAND các cấp đã phối hợp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 122 vụ. Trong đó, đưa ra xét xử 75 vụ, và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, hủy một phần hoặc toàn quyết định hành chính (QĐHC) 26 vụ, chiếm 34,67%; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, giữ nguyên QĐHC là 49 vụ, chiếm 65,33%.

Theo thủ tục phúc thẩm có 16 vụ, trong đó, giữ nguyên án sơ thẩm 7 vụ, sửa án sơ thẩm 5 vụ và hủy án sơ thẩm 4 vụ. Trong số bản án, quyết định TAND hai cấp của tỉnh ban hành có 36 vụ có kháng cáo, kháng nghị. Tòa án cấp cao đã giải quyết 30 vụ; trong đó, y án sơ thẩm 19 vụ, sửa án sơ thẩm 7 vụ, hủy án sơ thẩm 4 vụ.

“Với một địa bàn rộng và trong một thời gian ngắn triển khai nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm như Quảng Nam, thì số lượng QĐHC, hành vi hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai bị khởi kiện như trên chiếm tỷ lệ thấp. Về cơ bản, việc ban hành QĐHC, thực hiện hành vi hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai của UBND và Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, nội dung và thẩm quyền” - ông Trần Đình Lân đánh giá.

Chú trọng hòa giải, đối thoại để giải quyết

Cũng theo ông Trần Đình Lân, thông qua kết quả xét xử của TAND hai cấp cho thấy vẫn còn có trường hợp QĐHC, hành vi hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai của UBND và Chủ tịch UBND các cấp tại Quảng Nam bị khởi kiện và tòa án tuyên quyết định trái pháp luật phải hủy một phần hoặc toàn bộ. Các nguyên nhân được chỉ ra là do các QĐHC đã áp dụng không đúng văn bản pháp luật; ban hành không đúng thể thức văn bản, không đúng thẩm quyền; ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đất đang có tranh chấp.

UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ tháng 7.2018. Ảnh: N.Đ
Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp, đối thoại giải quyết đơn thư khiếu nại về đất đai của công dân định kỳ tháng 7.2018. Ảnh: N.Đ

Các phát biểu tham luận tại hội nghị đều nhìn nhận, số vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai ngày càng tăng, đều phát sinh từ cơ sở; do đó, cần phải thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn và thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức các cuộc đối thoại trên tinh thần cầu thị, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân để tìm hướng giải quyết. Chỉ có như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai mới thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại trên lĩnh vực này, hạn chế vụ việc tồn đọng, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người.

Có thể thấy, trong nhiều trường hợp, do không thỏa mãn với kết quả giải quyết khiếu nại của các cơ quan có thẩm quyền, đương sự đã gửi đơn khởi kiện QĐHC ra TAND các cấp. Từ thực tiễn công tác giải quyết các loại án, nhất là tổ chức đối thoại trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến QĐHC, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai, Phó Chánh án TAND tỉnh Ngô Đình Bảy chia sẻ, khi ra tòa, đương sự được đối thoại nên có thể sẽ rút rút đơn khởi kiện, hoặc cũng sẽ hiểu rõ hơn về vụ việc của mình sẽ được pháp luật bảo vệ.

“Việc giải quyết vụ án hành chính thông qua đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng. Vì hầu hết đương sự sẽ thỏa mãn nên không có kháng cáo, hoặc khiếu kiện kéo dài. Từ đó, sẽ giải quyết được nhiều bức xúc trong nhân dân và giảm đáng kể gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng hành chính” - Phó Chánh án TAND tỉnh Ngô Đình Bảy nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm tham gia các phiên tòa giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, ông Phan Khắc Chưởng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh phân tích về các nguyên nhân dẫn đến hành vi khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai. Đồng thời kiến nghị, UBND và Chủ tịch UBND các cấp cần phải lựa chọn những cán bộ thật sự có năng lực, giàu chuyên môn trên lĩnh vực đất đai, cần thiết thì thay đổi người mới. Đội ngũ này làm tốt công tác tham mưu thì sẽ ít xảy ra sai sót trong việc ban hành các QĐHC trên lĩnh vực này; qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, uy tín của UBND các cấp.

Đánh giá cao công tác giải quyết đơn thư khiếu nại về đất đai của các cơ quan, chính quyền các cấp trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng thẳng thắn chỉ ra các mặt còn tồn tại, hạn chế.

Để thực hiện tốt hơn công tác này, hạn chế việc khiếu nại kéo dài hoặc chuyển sang khiếu kiện hành chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các ngành, địa phương bám sát, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về chấp hành các quy định pháp luật về tố tụng hành chính; đặc biệt là phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo trình tự, thủ tục trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính về đất đai. Chú trọng tăng cường hòa giải ở cơ sở, tích cực đối thoại, tiếp dân trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại.

“Trong quá trình tham mưu UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các QĐHC giải quyết khiếu nại, các cơ quan tham mưu cần nghiên cứu kỹ, đầy đủ, có hệ thống các quy định pháp luật, có xem xét đến hoàn cảnh, lịch sử cụ thể để các quyết định có tính chính xác, kịp thời, hợp tình, hợp lý” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

NGUYÊN ĐOAN

NGUYÊN ĐOAN