Mơ về thành phố giáo dục quốc tế
Quyết định số 2354/QĐ-UBND, ngày 3.8.2018 do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu ký, đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thành phố Giáo dục quốc tế - Nam Hội An của Công ty CP đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng (TP.Hồ Chí Minh) với nhiều cấp học, gồm: mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học và sau đại học theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Địa điểm thực hiện dự án là các xã Bình Dương, Bình Minh và Bình Đào (Thăng Bình) với diện tích 41ha, công suất thiết kế 12.000 học sinh, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, quý 4.2021 dự án sẽ hoạt động chính thức.
Tin này, hẳn là vui với viễn cảnh về sự phát triển của vùng đông. Người lạc quan thì cho rằng, nếu thực hiện được và đúng như tiến độ cam kết, môi trường giáo dục của xứ Quảng sẽ có thêm sự lựa chọn cho người học. Người đa nghi thì sợ ăn bánh vẽ. Dù vậy, trong bối cảnh người người đổ xô đi nước ngoài học, thì mục tiêu xây dựng “thành phố giáo dục quốc tế” ngay tại xứ Quảng, cũng khiến người ta mơ mộng.
Nhân chuyện này, đọc lại chia sẻ của bà Hoàng Thục Nhi - nghiên cứu sinh tiến sĩ Việt ngành Khoa học Giáo dục tại Đại học Đông Phần Lan về giáo dục Phần Lan (đăng trên báo Dân Trí), tự hỏi bao giờ những đứa trẻ Việt được sống trong môi trường giáo dục như vậy? Chưa kể đến cái “có”, chỉ nói cái “không” ở xứ người thì đã là mơ ước của bao nhiêu học trò xứ mình. Không có cạnh tranh, không nhồi nhét kiến thức, học sinh thành phố hay nông thôn đều có môi trường giáo dục như nhau - không chênh lệch, không có khái niệm học thêm, không chạy trường, chạy điểm, từ lớp 1 đến lớp 6 không thi cử, không cho điểm số…
Còn nhớ, tháng 9 năm ngoái, sau chuyến thăm và làm việc tại một số nước Bắc Âu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, dư luận trong nước xôn xao về thông tin bộ này có ý định nhập khẩu chương trình giáo dục của Phần Lan. Thông tin nhiễu loạn tới mức, sau đó, Cục Hợp tác quốc tế của Bộ phải đứng ra minh định rằng, chỉ có việc tăng cường các dự án hợp tác giáo dục giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Phần Lan, nhằm đưa nền giáo dục của nước ta tiệm cận với các nền giáo dục phát triển.
Sau những tiêu cực tại kỳ thi “2 trong 1” vừa qua, Bộ GD-ĐT khẳng định “không xóa bỏ kỳ thi quốc gia”. Một cuộc thăm dò ý kiến trên trang báo điện tử Dân trí, với chủ đề “Theo bạn, hình thức thi trắc nghiệm ở phần lớn môn thi THPT quốc gia 2018 có phản ánh đúng năng lực thí sinh?”, lúc 10h06 phút hôm qua 9.8, tỷ lệ đánh dấu giữa ô có và không là 12,75% so với 87,25%. Một cuộc thăm dò khác, trên báo điện tử VnExpress, khảo sát về việc “Nên công nhận tốt nghiệp THPT theo cách nào?”. Kết quả ghi nhận tại thời điểm 10h51 phút hôm 8.8, với 5.494 phiếu, các tỷ lệ tương ứng là tại 3 ô khảo sát: thi tốt nghiệp (26%), xét tốt nghiệp (59%) và thi 2 trong 1 như hiện tại (15%). Dù đây chỉ là khảo sát hẹp, chỉ để tham khảo và chưa thể tổng kết được điều gì trên cả nước, nhưng xem các con số này, liệu có khiến những người làm chính sách ở bộ chủ quản băn khoăn?
C.B.L