Cả nhà mê tuồng

THIÊN THU 09/08/2018 05:59

Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Hồ Ngọc Tranh và bà Uông Thị Quý cư trú thôn Đông An (xã Quế Phước, Nông Sơn) vẫn theo nghề hát tuồng cổ bằng cả niềm đam mê.

Vợ chồng ông Hồ Ngọc Tranh (phải) trò chuyện với những người yêu tuồng cổ. Ảnh: T.T
Vợ chồng ông Hồ Ngọc Tranh (phải) trò chuyện với những người yêu tuồng cổ. Ảnh: T.T

Ông Tranh sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha là Chánh tổng Hồ Ngọc Thành nổi tiếng hát tuồng cổ lúc bấy giờ. Thuở bé, thấy con trai có năng khiếu và yêu thích loại hình nghệ thuật này nên ông Thành ra sức chỉ dạy từ vũ đạo, hát múa, điệu bộ... để nối nghiệp. Ông Tranh nhớ lại, từ nhỏ, mỗi lần nhìn thấy cha và mọi người tập diễn, ông lại tập tành hát theo rồi say sưa quan sát các động tác để thực hiện, dần dà những điệu bộ và nhiều vở tuồng cổ cứ ngấm dần. Chiến tranh loạn lạc, gia đình ông ly tán khắp nơi, năm 1976 khi hòa bình lập lại, đã quay về quê xứ thành lập đội hát tuồng xã Quế Phước rồi đi lưu diễn khắp nơi để phục vụ nhân dân. Lúc bấy giờ, xã Quế Phước gồm có 10 thôn, mỗi thôn diễn 2 đêm, ước tính thời gian công diễn cũng ngót nghét gần 1 tháng, đó là chưa kể thời gian tập duyệt, thiết kế đạo cụ, trang phục. Thời đó chưa có điện nên mọi người dùng đèn măng sông, đèn gió để thắp sáng trên sân khấu, máy móc rất thô sơ nhưng anh chị em trong đoàn đều nhiệt tình, diễn hết mình.

Tiếp lời chồng, bà Uông Thị Quý cho biết, vì cùng đam mê nghệ thuật tuồng cổ nên cả hai bén duyên nhau và có 5 người con, dù cuộc sống thăng trầm nhưng vợ chồng luôn động viên giữ lấy nghề. Nhiều lúc, bà con đội mưa để xem hát, vì vậy đoàn hát phải diễn thật tốt để không phụ lòng người xem. Sau mỗi đêm diễn, khán giả không ngớt lời khen ngợi và bà con thường đem khoai, sắn đến để biếu đoàn hát. Đó là nguồn động lực to lớn để hai vợ chồng bà gắn bó với nghề cho tới tận bây giờ. Các con trai, con gái, con dâu, cháu nội của vợ chồng ông Tranh vốn có năng khiếu hát múa nên theo nghề bố mẹ để nối nghiệp. Người em gái của ông Tranh, bà Hồ Thị Kim Thanh đảm nhận nhiệm vụ đánh trống chầu. Bà Thanh chia sẻ: “Khi chơi trống tuồng, người nghệ sĩ phải hòa mình với vở diễn, đồng cảm với tính cách, số phận của từng nhân vật trên sàn diễn để mỗi khi tiếng trống phát ra, sao cho khớp với diễn biến của từng lớp diễn, hợp cảnh và đúng làn điệu”. Còn vợ chồng người con trai Hồ Ngọc Hòa và Trần Thị Cẩm Nhạn thường vào vai kép văn, kép võ, đào chiến. Tính đến nay, gia đình ông Tranh đã có 4 đời theo nghề hát bội. Cũng theo ông Hồ Ngọc Tranh, khi gia đình tập diễn, thường chọn đoạn tuồng cổ nổi tiếng rồi phân vai cho con cháu diễn xuất sao cho phù hợp để vai diễn thật ấn tượng, đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Ví như, cháu nội gái Hồ Thị Cẩm Ly thường đảm nhiệm hát giáo tuồng để mở màn cho đêm diễn, còn bà Uông Thị Quý luôn thủ vai đào chiến để đóng cặp đôi ăn ý với ông Tranh vai kép chính.

Nhiều người xem cho rằng ông Tranh hát tuồng hay bởi chất giọng ấm, vang. Ngoài ra, họ còn mê ông ở cách diễn dân gian sôi động, tự trào. Cạnh đó, ông hát khá nhuần nhuyễn các điệu nam ai, nam thương, nói hường, nói lối, dân ca và thuộc nằm lòng nhiều trích đoạn tuồng cổ như Lê Lai cứu chúa, Dưới ánh trăng thề, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Võ tướng Kỳ Thanh… Điều đáng nói, trong các vở diễn, ông Tranh vừa giữ vai trò đạo diễn vừa đảm nhận vai kép chính và tự tay thiết kế nhiều đạo cụ, trang phục như roi ngựa, mũ giáp, đao, kiếm, trượng, giày, bầu rượu, áo giáp… để phục vụ cho đoàn hát. Có lẽ, với ông Tranh và bà Quý, niềm đam mê hát tuồng ngoài ý nghĩa làm cho cuộc sống thêm vui tươi, còn lưu giữ được vốn cổ văn hóa của cha ông và hy vọng góp được phần nào việc truyền lại vốn cổ cho con cháu.

Hiện tại, ông Tranh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát tuồng xã Quế Phước với nhiều trăn trở. “Nghệ thuật hát bội rất kén diễn viên. Vì vậy, lớp người đi trước như chúng tôi luôn động viên thế hệ trẻ tham gia hát bội để có cơ hội truyền ngọn lửa đam mê nhằm không làm mai một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này” - ông Tranh nói.

THIÊN THU

THIÊN THU