Khắc khoải ở vùng hạ du sông Vu Gia
Tình trạng thiếu hụt nước và nhiễm mặn ở hạ du sông Vu Gia vài năm gần đây đang dần trở thành vấn đề bức bối. Thời gian qua, cả Quảng Nam lẫn TP.Đà Nẵng đã, đang nỗ lực phối hợp để tìm cách cải thiện thực trạng này và đạt được một số tín hiệu tích cực nhưng cũng vấp không ít trở ngại.
Một đoạn dòng Vu Gia chảy qua xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc. |
SÔNG CẠN VÀ NHIỄM MẶN
Những tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của cộng đồng ở hạ du dòng Vu Gia do thiếu hụt nước và nhiễm mặn có thể thấy rõ nhất là trong mùa khô. Các giải pháp cứu vãn tình hình vẫn chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Nông nghiệp bắc Quảng Nam gặp khó
Trong các tháng 6 - 7, các địa phương vùng hạ du Vu Gia - Thu Bồn phải chạy đôn chạy đáo lo chuyện nước tưới. Có tổng cộng 500 - 700ha bị thiếu hụt nguồn tưới, khiến ngành nông nghiệp và thủy lợi phải đau đầu tìm cách ứng phó. Tại Đại Lộc, đợt nắng nóng liên tục kéo dài hồi cuối tháng 6 khiến nhiều diện tích gieo sạ bị thiếu nước nghiêm trọng, nhiều trạm bơm trơ đáy. Có tới 500ha sản xuất bị ảnh hưởng bởi khô hạn và ít nhất 120ha lúa của các trạm bơm Tam Hòa, Mỹ An, Lam Phụng, Cầu Phao trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng rất nặng. Địa phương phải tiến hành các giải pháp chống hạn, đóng cừ ngăn nước để cung cấp cho các trạm bơm, nạo vét 150m kênh dẫn mới có nước phục vụ tưới cho cây lúa. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: “Có thể nói, các giải pháp chống hạn bằng công trình và phi công trình đã được chủ động ngay từ đầu vụ, song khó khăn là mực nước sông Vu Gia xuống quá thấp ở những thời điểm cây lúa cần nước, gây khó khăn cho công tác chống hạn”.
Nồng độ nhiễm mặn lên cao khiến nhiều trạm bơm khu vực bắc Quảng Nam khó khăn trong vận hành. |
Tại Điện Bàn, dù đã có nhiều giải pháp chống hạn, mặn nhưng khó khăn là mực nước các sông có thời điểm quá thấp, xuống dưới mực nước đáy của các trạm bơm ven sông. Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Điện Bàn: “Quy trình vận hành liên hồ trên hệ sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn còn những bất cập, cần có sự phối hợp điều tiết liên hồ chứa làm sao để có thể điều hòa mực nước mùa lũ, còn mùa kiệt thì đảm bảo mực nước trên các sông trong vòng 24 tiếng luôn ổn định, tránh để xảy ra cạn kiệt dòng vào một thời điểm nào đó khiến mặn xâm nhập sâu”.
Đà Nẵng lo nhiễm mặn và thiếu nước sinh hoạt
Điểm cuối của hạ du sông Vu Gia là TP.Đà Nẵng cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân bởi thực trạng thiếu nước và nhiễm mặn. Qua thống kê, từ sau năm 2010 hạ du sông Vu Gia luôn bị thiếu nước trong các mùa khô, đặc biệt có năm thiếu nước, nhiễm mặn ngay cả trong mùa mưa (tháng 11 - 12.2012). Do hoạt động của các thủy điện, sông Vu Gia trong mùa khô bị thiếu trung bình 700 triệu khối nước so với điều kiện tự nhiên trước đây. Phát biểu tại hội thảo trao đổi - đối thoại lần thứ 5 của Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, ông Hoàng Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho rằng, việc sông Vu Gia những năm gần đây xuất hiện sự thay đổi tỷ lệ phân lưu tại ngã 3 chia nước về sông Ái nghĩa và Quảng Huế theo hướng bất lợi cho hạ du, tăng thêm nước về sông Thu Bồn và tiếp tục giảm nước sông Vu Gia - Ái Nghĩa càng khiến TP.Đà Nẵng bất lợi hơn.
Theo số liệu thống kê của Công ty Cấp nước Đà Nẵng, từ năm 2000 - 2007, trong vòng 7 năm chỉ có 26 ngày Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, trung bình mỗi năm có 3,7 ngày nhiễm mặn. Nhưng chỉ trong vòng 9 năm trở lại đây, với sự biến đổi lòng dẫn tại khu vực sông Quảng Huế, hoạt động của các thủy điện cộng với biến đổi khí hậu khiến nhà máy nước này có đến 720 ngày bị nhiễm mặn, trung bình mỗi năm 80 ngày. Cũng từ đó, các vùng canh tác hoa màu ở huyện Hòa Vang thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu nước cục bộ còn diện tích sản xuất dọc các sông Cu Đê, Cẩm Lệ bị nhiễm mặn với tần suất ngày càng cao. Để tăng cường chất lượng nguồn nước thô, Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải thường xuyên tăng cường lấy nước từ trạm bơm An Trạch và trao đổi với các nhà máy thủy điện ở sông Vu Gia để xả nước đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ. Do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt rất lớn của người dân và du khách tại TP.Đà Nẵng, đơn vị này cũng phải liên tục cố gắng nâng cấp công suất cung cấp nước nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sạch cục bộ trong mùa khô.
Đi tìm giải pháp
Để giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn, ông Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng phòng Quản lý và khai thác, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam thông tin, ngành thủy lợi và ngành nông nghiệp đã triển khai mạnh các giải pháp phi công trình nhằm ứng phó với nhiễm mặn. Các ngành đã xây dựng, chủ động kế hoạch sử dụng nước theo từng vụ và đề nghị các nhà máy thủy điện từ thượng nguồn xả nước theo kế hoạch sử dụng nước. Ngành thủy lợi vận hành tăng cường các trạm bơm cố định khi nguồn đảm bảo nhằm đề phòng thiếu nước thất thường. Đối với hạ du sông Vu Gia - hệ thống sông An Trạch, đơn vị thực hiện vận hành theo thực tế của nguồn nước sông, vận hành luân phiên giữa các công trình khi nguồn tưới hụt.
Đối với giải pháp công trình, bên cạnh các giải pháp xây đập tạm ngăn mặn, ông Châu kiến nghị tỉnh cho nạo vét các kênh dẫn lòng sông Vu Gia, Thu Bồn, đầu sông Lạc Thành, sông Vu Gia tại trạm bơm Ái Nghĩa để khơi thông dòng… Ngoài ra, cần xây đập dâng kiên cố trên sông Vĩnh Điện để đẩy mặn bởi chi phí đắp đập tạm mỗi năm rất tốn kém. Tuy nhiên, các chuyên gia, cơ quan chức năng ở TP.Đà Nẵng lại không đồng tình với việc xây đập ngăn mặn kiên cố trên sông Vĩnh Điện bởi như vậy sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm mặn ở hạ du sông Vu Gia nhất là khu vực TP.Đà Nẵng.
Giải pháp ứng phó với mặn được các nhà khoa học đề xuất, đó là thiết lập mạng lưới quan trắc độ mặn tự động trên các sông, vùng có nguy cơ nhiễm mặn. Theo ông Dương Anh Điệp - Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, việc tạo lập mạng lưới quan trắc độ mặn tự động là rất cần thiết. Hệ thống quan trắc mặn tự động truyền tín hiệu không dây theo thời gian thực với các thiết bị đo mặn được gắn vào các công trình xây dựng trên các tuyến giao thông thủy, trên các nhánh sông bị xâm nhập mặn. Hệ thống sẽ phân tích, dự báo quá trình xâm nhập mặn theo các kịch bản, đưa ra khuyến cáo cụ thể cho ngành chức năng. Còn ThS. Nguyễn Xuân Lâm (Viện Hàn lâm KH&CN) cho rằng, mô hình giám sát tự động xâm nhập mặn trên sông phục vụ ngành nông nghiệp sẽ giúp giảm sức người, có độ chính xác cao, liên tục, chủ động. Hệ thống còn có chức năng thu thập thông tin, giám sát lưu lượng nước về các sông từ hồ chứa, giám sát lượng mưa, cảnh báo mặn, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của ngành thủy lợi, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và đời sống. “Hiện tại mô hình chỉ mới cập nhật phần Vu Gia - Thu Bồn và sẽ hoàn thiện đầy đủ cho sông Trường Giang, Tam Kỳ. Ưu điểm của hệ thống là có thể đo nhiều thời điểm trong ngày, sử dụng gói cước 3G tiện lợi, chi phí thấp” - ThS. Lâm nói.
NỖ LỰC CHỈNH TRỊ DÒNG QUẢNG HUẾ
Nhiều năm qua, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương có nhiều nỗ lực để chỉnh trị sông Quảng Huế nhằm đưa nước về sông Vu Gia thay vì đổ lệch qua sông Thu Bồn.
Việc đắp đê ngăn mặn tạm thời giải quyết được vấn đề nhiễm mặn cho phía Quảng Nam nhưng lại gây trở ngại cho TP.Đà Nẵng. |
Trận lũ lịch sử năm 1999 đã tạo nên hiện tượng cắt dòng trên bãi sông tạo thành lạch Quảng Huế mới (đoạn qua xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) nằm tại vị trí cách ngã ba sông Vu Gia - Quảng Huế cũ khoảng 1,7km về phía thượng lưu.
Những nỗ lực chỉnh trị
Ông Trần Rê - Phó ban Nông nghiệp xã Đại Cường cho biết, hai cơn lũ lịch sử liên tiếp vào các năm 1998 và 1999 đã khiến khu vực này chìm trong biển nước và mở ra cửa sông mới Quảng Huế khiến nước đổ dồn về phía sông Thu Bồn. Cả một ngôi làng với mấy chục hộ dân cũng đã phải di dời đi nơi khác để sinh sống. Năm 2002, Bộ NN&PTNT đã tiến hành xử lý từng bước, thực hiện dự án “Chỉnh trị sông Quảng Huế” với 2 mục tiêu: đảm bảo cân bằng nước mùa kiệt giữa sông Vu Gia và Thu Bồn, cấp đủ nước tưới nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cho vùng hạ lưu sông Vu Gia thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng và bảo đảm lưu lượng sinh thái cần thiết tạo lòng cho sông Vu Gia, hạn chế suy thoái lòng sông đang diễn ra ở hạ du Vu Gia.
Sau khi xuất hiện lạch sông Quảng Huế mới, cửa vào sông Quảng Huế cũ bị bồi lấp gần như hoàn toàn vào mùa kiệt. Sông Quảng Huế mới được hình thành ngày càng mở rộng gây xói lở, bồi lấp hàng chục héc ta đất canh tác thuộc các thôn 8, 9, 10, Ô Gia Bắc, Thanh Vân của xã Đại Cường. Nguồn nước cung cấp cho hầu hết hệ thống thủy nông, trạm bơm điện của các huyện phía bắc Quảng Nam bao gồm 4 đập dâng mới được nâng cấp của hệ thống An Trạch bị cạn kiệt. Trên 40 trạm bơm điện với hơn 150 máy bơm bảo đảm nước tưới cho 10.000ha đất nông nghiệp (Quảng Nam 8.000ha, Đà Nẵng 2.000ha) và cấp nước sinh hoạt TP.Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn trong vận hành, hoạt động. |
Tuy vậy, trong giai đoạn 1, dự án đã gặp không ít trắc trở khi sử dụng giải pháp chính dùng rọ đá và thảm rọ đá lấp cửa vào sông Quảng Huế mới tới cao trình 4,5m. Nhưng đến 8.2007 khi các đơn vị thi công đang tính giải pháp dài hạn hơn khi thi công các hạng mục lấp dòng, xây đập sông Quảng Huế mới thì bị lũ cuốn làm công trình hư hỏng nặng phải dừng lại. Từ đó, khi có các cơn lũ lớn thì nước lũ vẫn đổ dồn sang sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế mới gây sức ép ngập lụt cho hạ du sông Thu Bồn.
Trong giai đoạn từ 2007 - 2011, Bộ NN&PTNT tiếp tục giao các đơn vị thực hiện dự án “Khắc phục chỉnh trị sông Quảng Huế sau lũ năm 2007”. Hạng mục khôi phục, nâng cấp công trình chỉnh trị sông Quảng Huế sau mùa lũ năm 2007 đã được bàn giao và đưa vào sử dụng toàn bộ từ cuối năm 2012, phát huy tác dụng nhất định. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, do diễn biến phức tạp của dòng chảy sông Vu Gia – Thu Bồn, nhất là khu vực sông Quảng Huế, cộng với sự biến đổi khí hậu cũng như xây dựng thủy điện ở thượng nguồn đã dẫn đến tình trạng biến động lòng dẫn, dòng chảy phức tạp trong mùa lũ và thiếu nước trầm trọng cho hạ du Vu Gia trong mùa kiệt.
Chưa đạt như kỳ vọng
Năm 2013 Bộ NN&PTNT đã thực hiện việc đánh giá biến động dòng chảy sông Vu Gia - Thu Bồn và đề xuất giải pháp công trình phù hợp cho khu vực Quảng Huế trong tình hình mới trên lưu vực. Song song với việc mở rộng và xói sâu lòng sông Quảng Huế gây ra nhiều khó khăn trong công tác chỉnh trị, liên tiếp trong nhiều năm từ 2012 đến 2015, lòng sông Ái Nghĩa bị bồi lắng mạnh khiến các cơ quan chức năng của Quảng Nam phải tổ chức nạo vét từ cửa vào sông Ái Nghĩa đến trạm bơm Ái Nghĩa để khắc phục. Việc chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện cùng với sự mở rộng, xói sâu lòng dẫn sông Quảng Huế và bồi lấp nâng cao lòng sông Ái Nghĩa khiến tình hình nhiễm mặn xảy ra thường xuyên hơn trước đây rất nhiều ở hạ du sông Vu Gia.
Thực tế, theo kết quả nghiên cứu của PGS-TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, PGS-TS. Trần Xuân Thái và ThS. Nguyễn Ngọc Đăng thuộc Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông, biển (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đã đăng trên Tạp chí Khoa học & công nghệ thủy lợi năm 2013, thì lòng sông Quảng Huế đã bị mở rộng thêm và bị xói sâu hơn (trung bình 3 đến 4m). Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm chuyên gia cũng chỉ ra lưu lượng nước sông Vu Gia phân lưu về sông Quảng Huế tăng gấp đôi trong mùa cạn (từ 20% năm 1990 lên 40% năm 2012). Điều này dẫn đến hiện tượng thiếu hụt nước trong mùa kiệt ở hạ lưu sông Vu Gia trong đó có TP.Đà Nẵng.
Những nỗ lực chỉnh trị sông Quảng Huế giúp chuyển một phần dòng chảy đổ về Vu Gia lại như cũ. |
Năm 2013, chính quyền hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng một đập rọ đá và Bộ NN&PTNT cũng đầu tư xây dựng đập rọ đá điều tiết nước tại đầu sông Quảng Huế để tăng lưu lượng về sông Ái Nghĩa, nhưng do cao trình các đập trên thấp (chỉ 2,3m) nên hiệu quả đem lại chưa cao. Theo tính toán của nhóm chuyên gia thuộc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ phân lưu trên sông Quảng Huế vẫn chưa đạt như thời kỳ trước năm 1999. Vừa qua, tại chương trình hội thảo trao đổi - đối thoại lần thứ 5 của dự án “Hỗ trợ xây dựng thể chế liên tỉnh để nâng cao khả năng chống chịu ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”, nhóm chuyên gia ở TP.Đà Nẵng đã đưa ra một dự án thực hiện trong vòng 18 tháng để tiếp tục chỉnh trị dòng Quảng Huế với sự hợp tác giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Tuy nhiên theo ông Hoàng Ngọc Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên, đây là một dự án tầm cỡ và phải thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu, song theo như công bố kinh phí thực hiện chỉ có 1,5 tỷ đồng thì khó khả thi.
CẦN HÀI HÒA LỢI ÍCH
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam: Cần nghiên cứu tổng hợp
Theo tôi, các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu liên quan đến việc chỉnh trị sông Quảng Huế điều tiết nước cho Vu Gia nên mạnh dạn mở rộng nghiên cứu ra toàn vùng, nghiên cứu từ thượng nguồn xuống hạ du chứ không chỉ ở khu vực Quảng Huế. Trên lưu vực sông Vu Gia nói chung và dòng Quảng Huế nói riêng còn có sự tác động của đô thị, rừng, khoáng sản, thủy điện… nên cần những nghiên cứu chuyên sâu, tổng hợp để đưa ra những giải pháp thích hợp và hài hòa lợi ích cho cả Quảng Nam, Đà Nẵng.
Ngoài ra, các chuyên gia và đơn vị chức năng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng với các giải pháp “cứng” và nên ưu tiên những giải pháp tự nhiên để chỉnh trị dòng Quảng Huế bởi về lâu dài những tác động của giải pháp “cứng” là rất khó lường mà điển hình là bờ biển Cửa Đại ở TP.Hội An.
Ông Trần Văn Giải Phóng - Chuyên gia ISET: Phải có sự đồng thuận
Những nghiên cứu khoa học ở đề cương “Đề xuất giải pháp chỉnh trị và nâng cao đập điều tiết nước tại đầu sông Quảng Huế” có phần hạn chế. Tất cả nghiên cứu ở đây mặc dù mang tính khoa học nhưng thông số đầu vào các giả định cần sự đối thoại của cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Câu hỏi đặt ra là nhóm nghiên cứu đề xuất thì vai trò của Ban điều phối như thế nào, nếu chỉ có các nhà khoa học ngồi với làm việc với nhau thì kết quả nghiên cứu khó được hai địa phương chấp nhận.
Mục đích của dự án là tăng cường năng lực thể chế và điều phối của Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng khi có đề xuất này thì chưa có phần nghiên cứu liên quan đến cách thức thực hiện. Nếu thiếu đồng thuận với các nhà làm công tác quy hoạch, quản lý thì rất khó. Vấn đề ở đây là lợi ích tập thể trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn của cả Quảng Nam và Đà Nẵng như thế nào chứ không hẳn chỉ là phân lưu lượng nước bao nhiêu phần trăm, hoặc chỉnh trị dòng chảy trở lại như cũ là được?
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng thị xã Điện Bàn: Chưa có sự phối hợp đồng bộ
Công trình ở thượng lưu cũng là các tác nhân gây xâm nhập mặn trong mùa kiệt và gia tăng mực nước lũ vào mùa lũ. Năm 2018 này, lưu lượng nước về các sông mùa hè ở mức thấp nhất trong lịch sử. Cần phải tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp chống hạn, chống mặn vùng hạ du. Mặc dù có Ban điều phối nhưng tôi có cảm giác mỗi địa phương làm theo mỗi kiểu, chưa có sự phối hợp đồng bộ. Phải làm sao đó điều hòa được mực nước mùa lũ khiến hạ du không bị ngập sâu, làm sao lưu lượng nước trên các dòng sông đảm bảo để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ban điều phối cần có giải pháp cân bằng nước giữa Quảng Nam và Đà Nẵng cho hợp lý, phục vụ phát triển của 2 địa phương.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: Cần duy trì dòng chảy ổn định trên sông
Sông Vu Gia có tới 7 nhà máy thủy điện hoạt động đầu nguồn, bên cạnh mặt tích cực thì còn những hạn chế. Các nhà máy không duy trì dòng chảy ổn định cho Vu Gia trong mùa kiệt. Đề nghị các nhà máy duy trì các tổ phát điện luân phiên, đảm bảo lúc nào cũng phải duy trì dòng chảy ổn định trên sông, tăng thời gian phát điện xả nước, duy trì cao trình mực nước trên sông để góp phần chống hạn, đẩy mặn.
Việc các nhà máy xả đồng loạt với tốc độ, lưu lượng dòng chảy lớn gây sạt lở, xói mòn, bồi lấp, dòng chảy trên sông biến động nặng. Câu chuyện đặt ra là thủy điện làm sao điều tiết nước vào mùa lũ để giảm thiểu tổn thất cho hạ du và điều tiết dòng chảy, tránh tình trạng kiệt dòng về mùa khô. Đó là vấn đề cấp bách cần phải hành động.
Thực hiện chuyên đề: HOÀNG LIÊN - QUỐC TUẤN