Khó đấu giá quyền khai thác khoáng sản

TRẦN NGUYỄN 02/08/2018 07:04

Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS)nhờ việc đưa ra đấu giá công khai các mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, ở Quảng Nam số lượng các mỏ đấu giá vẫn còn khá ít ỏi.

 Mỏ khai thác đá ở xã Phú Thọ (Quế Sơn) không thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh: T.N
Mỏ khai thác đá ở xã Phú Thọ (Quế Sơn) không thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh: T.N

Từ khi Luật Khoáng sản ra đời, trên địa bàn tỉnh nhiều mỏ khoáng sản lớn như than, mỏ đá, vàng được cấp trước đó không thuộc phạm vi đấu giá để áp dụng theo luật. Từ năm 2016, Hội đồng đấu giá quyền khai KTKS tỉnh tổ chức các phiên đấu giá đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường. Cụ thể, đấu giá khu vực cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn 5, xã Ba (Đông Giang); khu vực khai thác đá tại thôn 2, xã Trà Mai (Nam Trà My) và khu vực khai thác cát tại thôn 4, xã Trà Cang (Nam Trà My). UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá tại các khu vực nêu trên. Sau khi được UBND tỉnh ủy quyền, đến thời điểm này chỉ có 3 địa phương tổ chức đấu giá thành công (Phước Sơn 1 khu vực đá, Nam Trà My 1 khu vực đá và Thăng Bình 1 khu vực đất san lấp). Một con số khá khiêm tốn so với 144 giấy phép KTKS còn hiệu lực tính đến nay. Theo thống kê của Sở TN&MT, tính đến tháng 6.2018, UBND tỉnh ban hành 265 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền KTKS (phần lớn đều không thông qua hình thức đấu giá) với tổng số tiền phê duyệt hơn 283 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 - 2018 chỉ thu hơn 185 tỷ đồng tiền KTKS.

     Theo quy định, hình thức đấu giá quyền KTKS gồm đấu giá quyền KTKS ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản và đấu giá quyền KTKS ở khu vực đã có kết quả thăm dò, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy vậy, thực tế, các khu vực có kết quả thăm dò đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Trong khi đó, việc đấu giá quyền KTKS tại các khu vực chưa thăm dò lại được cho là không khả thi vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá nắm mơ hồ thông tin về tài sản được đấu giá. Tại Quảng Nam, đấu giá KTKS ở một số nơi không thành công do trong quá trình đấu giá đã không thu hút đủ số hồ sơ tham gia; doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính theo quy định (vốn chủ sở hữu lớn hơn hoặc bằng 50 tỷ đồng)…  

Theo quy định hiện hành, chỉ có các kế hoạch đấu giá là được công bố, còn các quyết định đưa vào khu vực không đấu giá thì không bắt buộc phải công bố. Đến nay mới chỉ có Quyết định 203/QĐ-TTg ngày 27.1.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt khu vực không đấu giá quyền KTKS thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT. Các văn bản khác hầu như không được công bố công khai cho các doanh nghiệp biết để làm hồ sơ xin cấp phép. Theo các chuyên gia kinh tế, việc minh bạch các thông tin liên quan đến đấu giá khai thác mỏ là tối quan trọng. Trong khi đó, thực tiễn ở Quảng Nam, danh mục các khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá, thông tin cơ bản về điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản, các thông tin về phiên đấu giá quyền KTKS không phải ở đâu cũng được phổ biến.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN