Phạm Diệp, người đảng viên kiên trung bất khuất
Bình An là làng quê yên bình ở xã Quế Bình (Hiệp Đức) nằm bên bờ sông Tranh, nơi bà con đang chung tay góp sức xây dựng xóm thôn ngày càng ấm no sung túc. Trước đây, làng quê này, có rất nhiều người tham gia kháng chiến, tham gia cách mạng, đánh giặc giữ làng. Và một trong những tấm gương tiêu biểu là ông Phạm Diệp, được bà con nhắc mãi bởi kiên trung bất khuất trước kẻ thù, dù bị chúng dùng mọi cực hình tra tấn dã man...
Con cháu dâng hương mộ ông Diệp. Ảnh: Huỳnh Dân |
“Cách mạng trong tim tôi”
Cũng như bao người dân ở xã Quế Bình, cuộc đời ông Phạm Diệp chỉ biết với công việc ruộng vườn, chăm lo cuộc sống gia đình. Không chỉ đọc thông viết thạo chữ nho, ông còn vẽ rất đẹp, lại nói năng lưu loát… Mỗi bận tết đến xuân về, bà con trong làng thường đến ông xin chữ, xin tranh để chưng tết. Những câu đối mang đầy hương xuân được ông cho bà con như: “Xuân an khang đức tài như ý. Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên”. “Tiễn năm cũ đi, sống từ bi, thể hiện chân thiện mỹ. Đón năm mới về, tập hỷ xả, tỏa sáng đức tài tâm”. “Xuân cảnh, xuân thiên, xuân phú quý. Nhật tân, nhật thịnh, nhật vinh hoa”… Ông Diệp là người tài hoa và sống có tâm, có đức. Vườn nhà ông rộng rãi có nhiều cây cối và nối liền với chân đồi núi Lớn. Và nơi ấy có một ngôi chùa cổ, bà con xa gần thường đến thăm viếng rồi ghé vào thăm ông, được ông tiếp đón nồng hậu bằng những câu chuyện về đối nhân xử thế trong cuộc sống hằng ngày.
Chiếc thùng phuy này là vật chứng địch dùng tra tấn dã man ông Diệp mà bác Trí đang kể lại. |
Trong thời kỳ kháng chiến 9 năm, quân Pháp bắt đầu đánh phá ác liệt vùng hạ lưu sông Thu Bồn, đồng bào các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn… phải tản cư lên nguồn, trong số đó có hai đứa trẻ mồ côi từ Điện Bàn chạy lên, được ông nhận làm con nuôi. Mặc dù ông đã có sáu người con, đời sống khó khăn nhưng ông vẫn yêu thương hai cháu mồ côi Phạm Công Anh và Phạm Công Em như con mình sinh ra. Thời gian này, Đảng phân công một số đồng chí về đứng cánh xã Bình Huề (nay là Quế Bình) để lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Các đồng chí Đặng Xuân Sinh, Phạm Gạo, Đặng Ngọc Bích về hoạt động ở đây, được ông Diệp cưu mang đùm bọc. Năm 1948, ông Diệp được Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện giao làm Ủy viên Thường trực Ban Liên Việt xã Bình Huề. Hòa bình chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại đánh phá ác liệt hơn. Đồng thời bọn phản động cấu kết với những thành phần chống đối nhằm chống phá phong trào cách mạng. Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Ông Diệp cùng với nhiều đồng chí khác được Đảng phân công ở lại bám giữ phong trào. Đêm chia tay tại cánh rừng Ông Phụng, các đồng chí tập kết ra Bắc dặn dò ông, dù có hiểm nguy khó khăn bao nhiêu cũng cố gắng giữ được phong trào. Thay mặt những người ở lại, ông Diệp nói với người ra đi: “Cách mạng trong tim tôi!”.
Khí phách của người cộng sản
Chuyện những ngày đen tối xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, thế nhưng các bậc cách mạng lão thành vẫn luôn nhớ mãi về ông Diệp. Tôi đến thăm có bác Đỗ Hóa Trí 81 tuổi, hiện ở tại thôn Bình Hòa, xã Quế Bình (nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Sơn Tú), cán bộ hoạt động cùng thời với ông Diệp. Thời niên thiếu của bác luôn ở bên cạnh ông Diệp và được ông dìu dắt, hun đúc về lý tưởng cách mạng, nên trong những năm còn công tác tại xã, bác Trí thường lấy tấm gương ông Diệp học tập và truyền đạt cho thế hệ trẻ. Sau tổng khởi nghĩa 1945, nhà ông Diệp là nơi nuôi giấu cán bộ cũng là nơi sản xuất vũ khí cho bộ đội. Bọn Việt gian nhiều lần theo dõi nhưng không thể nào phát hiện, vì cơ sở nhà ông gần như nằm cách biệt với dân cư, thêm nữa vợ con ông luôn luôn cảnh giác. Ông được kết nạp Đảng năm 1950. Thế nhưng câu chuyện bi thảm đến với ông bắt đầu từ việc ông quá tin về đứa con nuôi Phạm Công Anh của mình. Trong những năm tháng đấu tố thời kỳ 1954 - 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt dân huấn chính, sám hối hòng làm cho không một ai còn dám chứa chấp hoặc theo “cộng sản”. Do biết ông Diệp là một trong các cơ sở cách mạng nên kẻ thù tra tấn hết sức dã man. Đau đớn thay, kẻ ra tay tàn nhẫn với ông lại chính là Phạm Công Anh (cảnh sát xã Sơn Bình) cấu kết với tên Nguyễn Đình Thiệp - Khu trưởng Khu Sơn Mỹ.
Chúng tra tấn ông bằng mọi cách, không cho ăn uống, bắt đứng giữa sân cơ quan Hội đồng xã, đầu đội gạch, hai tay dang thẳng cũng cầm gạch dưới nắng hè như thiêu đốt cho đến khi ngã quỵ. Thế nhưng ông vẫn kiên trung, nhất quyết không hề khai báo về việc làm của mình với địch. Rồi chúng bắt ông chào cờ, ông tuyên bố: “Tao không thể chào lá cờ phi nhân nghĩa đó…”. Thế rồi, đến lượt thằng “con nuôi” ra tra tấn “cha nuôi”. Phạm Công Anh được ông đem về nuôi trong những tháng ngày cơ hàn, khi cha mẹ nó bị Tây giết chết ở Điện Bàn. Mọi việc làm của ông nó đều biết hết, giờ theo giặc quay lại tra tấn còn dã man hơn. Nó treo ngửa ông lên trần nhà, dùng nước xà phòng và nước ớt đổ vào mắt, mũi, miệng. Dùng báng súng đánh vào ngực, vào lưng cho đến khi ngất đi rồi lôi ông bỏ vào phòng khóa lại. Nhưng tất cả những ngón đòn đê hèn đó vẫn không thể khuất phục được sự kiên cường nơi ông.
Mỗi khi tỉnh lại ông vẫn vẽ những hình châm biếm trên nền nhà. Thằng “con nuôi Phạm Công Anh gầm gừ từ trong cổ họng: “Ông rèn vũ khí để đánh ai?”, “Ông gánh gạo nuôi ai?”… Trước sắc mặt lạnh lùng và hung dữ của thằng “con nuôi” vô đạo, ông vẫn dõng dạc trả lời: “Vũ khí anh em tau làm ra để đánh đuổi bọn đế quốc!”; “Lúa gạo tau sản xuất ra để nuôi gia đình, trong đó có hai đứa trẻ mồ côi!”. Thằng Công Anh càng giận dữ, với cây súng trong tay và tính máu lạnh sẵn có hắn lại tiếp tục tra tấn ông. Ông có hàm râu đẹp nhất làng, thế mà hắn lấy kiềm nhổ từng chùm trong tư thế bị trói vào cột. Nhổ không hết, chúng bật lửa đốt cháy trụi. Không biết hắn moi đâu ra đôi dép cao su rồi gán cho ông cái tội tiếp tế cán bộ nằm vùng. Hắn đốt đôi dép và cho nhỏ từng giọt nhựa đang cháy lên đầu ông. Đủ mọi cực hình tra tấn ông vẫn nhất quyết không khai báo. Bất lực trước khí phách can trường của ông Diệp, tên Công Anh cùng đồng bọn chuyển qua trò dụ dỗ, nhưng vẫn không thể lay chuyển được ý chí người cộng sản kiên trung.
Lần tra tấn cuối cùng vào đầu năm 1956 tại sân Hội đồng xã, thằng “con nuôi” Phạm Công Anh và đồng bọn ra tay tàn bạo với ông. Dưới tiết trời tháng giêng hai buốt lạnh, chúng lột trần ông rồi quẳng vào thùng phuy đổ nước đầy, từng thằng một dùng gậy đánh mạnh bên ngoài thùng. Khi bọn chúng kéo ra, ông ngất xỉu, máu từ trong miệng, lỗ tai tuôn trào. Chúng định mang ông đi thủ tiêu nhưng trước sự căm phẫn tột độ, dân làng ùa lên đấu tranh, chúng đành thả ông ra cho mọi người đưa về nhà. Sau hơn một tháng thì ông qua đời, đó là ngày 3 tháng 3 năm 1956. Ông ra đi vẹn tròn khí tiết với cách mạng, với nhân dân. Noi gương người chồng, người cha kiên trung bất khuất, vợ và các con ông hăng hái tham gia cách mạng, chẳng nề hà hy sinh. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Phạm Diệp được công nhận là liệt sĩ. Toàn xã Quế Bình có 240 liệt sĩ, 50 Mẹ Việt Nam anh hùng, riêng gia đình ông Phạm Diệp có 6 liệt sĩ và 3 Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong hương trầm thơm ngát trên bàn thờ, con cháu xa gần về dâng hương trong ngày giỗ 2 Mẹ Việt Nam anh hùng, ai cũng nghẹn ngào, mừng mừng tủi tủi. “Trong chiến tranh gia đình tôi hy sinh quá nhiều cho sự nghiệp cách mạng, nhưng bù lại con cháu hôm nay đứa nào cũng thành đạt, làng xóm bà con ai cũng đoàn kết thương yêu nhau, tôi rất mừng” - anh Phạm Lâm, cháu nội ông Diệp tâm sự.
VŨ CÔNG ĐIỀN