Buôn bán người, vấn nạn toàn cầu

QUỐC HƯNG 31/07/2018 10:45

(QNO) - Tội phạm buôn bán người hoạt động ngày càng phức tạp, vượt tầm kiểm soát của nhiều chính phủ, gây ra những hậu quả đau lòng.

Một cảnh trong phim A Dream Of A Misty Land. Ảnh: Straitstimes
Một cảnh trong phim A Dream Of A Misty Land. Ảnh: Straitstimes

Mỗi năm, có hàng nghìn người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (chiếm 71%) là nạn nhân của những kẻ buôn người ở các nước của họ và ở nước ngoài. Nạn buôn người vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh các quốc gia và toàn cầu nói chung.

Liên hiệp quốc cho biết, mọi quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi nạn buôn bán người, dù là nơi xuất xứ, quá cảnh hoặc điểm đến cho nạn nhân. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có 21 triệu người trên toàn cầu là nạn nhân của lao động cưỡng bức, bao gồm nạn nhân của nạn buôn bán người.

Mới đây, Indonesia ra mắt bộ phim ngắn có thời lượng công chiếu 41 phút: A Dream Of A Misty Land (tạm dịch: Giấc mơ của một vùng đất gian khó) với sự tham gia nhiều diễn viên chính là các nạn nhân của tội phạm buôn người. Không ai khác, chính họ kể về cuộc đời bi thương của mình khi trở thành nạn nhân đó. Những phụ nữ ở vùng quê nghèo từng mong ước ra nước ngoài làm việc để kiếm tiền, phụ giúp gia đình. Bất hạnh thay, họ lại trở thành nạn nhân bị khai thác, bóc lột sức lao động hay bị cưỡng bức.

Ngày 30.7 được Liên hiệp quốc chọn là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người (bắt đầu từ năm 2013), nhằm thúc đẩy mọi quốc gia thực hiện trách nhiệm chung trong việc phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này. Kể từ năm 2016, Việt Nam lấy ngày 30.7 là Ngày toàn dân phòng chống buôn bán người nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống mua bán người. Tại Việt Nam, nạn mua bán người vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng bất chấp những nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức đối tác.

Các quan chức tại Bộ Trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em Indonesia - một trong những nhà tài trợ cho bộ phim, hy vọng những câu chuyện được chính nạn nhân kể lại sẽ là thông điệp chân thật nhất, là hồi chuông cảnh báo về nạn buôn người và hệ lụy của nó đến với những vùng quê Indonesia. Đó là nơi mọi người dễ bị tổn thương bởi những kẻ buôn bán người.

Như chuyện một phụ nữ giúp việc Indonesia tại Đài Loan bị chủ nhân từ chối trả tiền làm công và giữ hộ chiếu của cô. Do đó mà người giúp việc đã bị bắt và trục xuất khỏi Đài Loan khi visa làm việc của cô hết hạn. Một lao động khác người Indonesia chết tại Malaysia vào đầu năm 2018 vì bị chủ nhà bạo hành. Sau đó, giới chức Indonesia cho biết người phụ nữ này là nạn nhân của nạn buôn người.

Mặc dù không có số thống kê chính thức về số người Indonesia là nạn nhân của tội phạm buôn người, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới, trong đó Đông Nam Á là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn này nhức nhối nhất. Trong số 2,5 triệu người bị buôn bán thì phần lớn đến từ châu Á - Thái Bình Dương.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG