9 tác dụng phụ cần biết khi sử dụng nha đam
(QNO) - Nha đam (lô hội) có nhiều lợi ích đối với sắc đẹp và sức khỏe, nhưng nó có những tác dụng phụ mà bạn có thể không biết.
Cây nha đam đã trở nên quen thuộc từ nhiều thế kỷ trước. Nó được trồng chủ yếu để lấy gel nha đam. Ngày nay cây nha đam được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, mỹ phẩm, thảo dược và thực phẩm chức năng.
Cây nha đam sản sinh ra hai chất - gel và nhựa, được sử dụng trong y học. Gel nha đam là chất thịt trong suốt trong lá Nha đam. Còn nhựa Nha đam có màu vàng nhạt tiết ra từ từ dưới vỏ cây. Gel nha đam có thành phần khoảng 96% là nước và chứa các vitamin A, B, C và E.
Hầu hết mọi người ăn gel nha đam để điều trị bệnh tiểu đường, viêm gan, sụt cân, bệnh viêm ruột, loét dạ dày, viêm xương khớp, hen suyễn, sốt, ngứa và viêm… Thuốc từ gel nha đam cũng được bôi tại chỗ trên da. Gel nha đam tốt cho sức khỏe, tóc và da. Gel này cũng được sử dụng để làm nước ép Nha đam được sử dụng trong nhiều chế phẩm của y học cổ truyền Ấn Độ.
Tuy nhiên, uống quá nhiều nước ép nha đam có thể gây hại cho cơ thể và dẫn đến những tác dụng phụ khác nhau. Một số người cũng có thể bị dị ứng với nhựa của cây.
Sử dụng nha đam có an toàn không?
Uống nước ép nha đam có thể gây những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe như tiêu chảy, đau bụng, yếu cơ, sưng họng và trong những trường hợp nặng, mất thị lực. Uống một lượng lớn nước ép Nha đam trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến suy thận.
Tác dụng phụ của nhựa nha đam
Nhựa Nha đam có màu vàng và tiết ra từ dưới vỏ cây. Nuốt phải nhựa nha đam có thể không an toàn, ngay cả khi với liều nhỏ. Các tác dụng phụ của nhựa nha đam bao gồm các vấn đề liên quan đến thận, đau bụng và hạ kali máu.
Những tác dụng phụ của nước ép nha đam
1. Dị ứng da
Sử dụng gel nha đam trong thời gian dài có thể gây dị ứng da như viêm, mày đay và đỏ mi mắt. Các tác dụng phụ khác trên da bao gồm khô, cứng, phát triển các nốt tím và nứt nẻ. Hơn nữa, bôi gel và ra nắng có thể gây phát ban và kích ứng hoặc đỏ và bỏng da.
2. Hạ đường huyết
Nha đam có liên quan đến hạ đường huyết và do đó bệnh nhân tiểu đường nên thận trọng hơn khi dùng nha đam.
3. Các biến chứng khi mang thai và cho con bú
Cả gel hoặc nhựa Nha đam đều có thể không an toàn cho bà mẹ mang thai và cho con bú khi ăn phải. Lý do là nha đam có thể kích thích các cơn co thắt tử cung và gây ra các biến chứng như sẩy thai, và làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Trong trường hợp đang cho con bú, việc uống nước ép nha đam có thể ảnh hưởng đến em bé.
4. Độc với gan
Liều cao của nha đam có thể dẫn đến viêm gan. Sự hiện diện của nhiều hợp chất hoạt tính sinh học như C-glycosides, anthraquinon, anthone, lectins, polymannans và acetylated mannans trong nha đam có thể ảnh hưởng đến quá trình giải độc của gan và dẫn đến tổn thương gan.
5. Suy thận
Nha đam có thể tương tác với một số loại thuốc (Digoxin, thuốc trị đái tháo đường, Sevoflurane, thuốc lợi tiểu) và có thể dẫn đến bệnh thận nếu dùng trong thời gian dài. Nhựa nha đam cũng có liên quan đến suy thận. Vì vậy, người có vấn đề về thận nên tránh uống Nha đam.
6. Mất cân bằng điện giải
Tiêu thụ một lượng lớn nước ép nha đam có thể gây ra yếu vận động, tiêu chảy và đau bụng dẫn đến mất nước và mất cân bằng điện giải.
7. Khó chịu dạ dày
Một trong những tác dụng phụ của việc uống nước ép nha đam là cảm giác khó chịu ở dạ dày. Nhựa nha đam có thể gây co thắt quá mức, đầy bụng và đau bụng. Tránh uống nước ép nha đam, đặc biệt là nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về dạ dày.
Nếu bạn có bất kỳ bệnh đường ruột nào, như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, tránh uống nước ép nha đam vì nhựa nha đam gây kích ứng ruột.
9. Bệnh trĩ
Nếu bị trĩ, tránh uống nước ép nha đam vì nó có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn.
Lưu ý: Nha đam có thể ảnh hưởng đến người phải phẫu thuật. Trong và sau phẫu thuật, nha đam có thể ảnh hưởng đến đường huyết và cản trở kiểm soát đường huyết. Nếu sắp phải phẫu thuật, hãy ngừng sử dụng nha đam hai tuần trước phẫu thuật.
Theo doanhnghiepvn.vn