Một, và những cơn đau...

C.B.L 31/07/2018 08:45

Cái tiếng đâm sầm và quay rít của chiếc xe 16 chỗ cứ vang mãi trong đầu tôi. Cứ như tôi đã đứng đó, đã nhìn và nghe âm thanh của vụ tai nạn ngay trước mặt mình. Mọi thứ có lẽ chỉ diễn ra trong ¼ giây đồng hồ, ngay lập tức cướp đi mạng sống của 13 con người (và hy vọng đừng có thêm ai nữa lần lượt ra đi sau đó).

Liệu có thể nghĩ chuyện gì khác trong một ngày như vậy? Mở mắt ra buổi sáng và đọc thấy vụ tai nạn. Hai giờ sáng, và một đoàn rước dâu.

Câu chuyện đoàn rước dâu gặp nạn không phải là lần thứ nhất xảy ra. Cũng từng có muôn ngàn người đang hạnh phúc đã bất thần xáp mặt với tai họa. Những giờ khuya khoắt cũng chiếm phần ấn tượng trong bảng thống kê tai nạn giao thông. Vậy mà hai dữ kiện ấy ghép lại với nhau lại khiến người ta phải nghĩ ngợi.  Không phải là chuyện “đại hỉ” biến thành đại tang. Có lẽ là một điều gì đó lớn hơn, phổ quát hơn.

Nghĩ đến những do lý khác nhau để chuyến xe ấy, những người ấy rong ruổi trên đường vào giờ ấy, rồi gặp chuyện bất hạnh. Từ Quảng Trị vào đến Bình Định, hai nhà thông gia cách nhau 500km. Vì sao người ta không nghĩ đến chuyện vào trước một ngày, nghỉ ngơi một đêm rồi thong thả rước dâu về? - Vì để tiết kiệm chi phí cho một đêm ở khách sạn? Giả thuyết này nghe ra thật khó chấp nhận với đại đa số dân mình hiện tại - khó chi cũng không đến nỗi khó vậy chứ, chuyện đại sự một đời mà không cố được hay sao??? - nhưng cũng không phải là không thể xảy ra. Bởi, bạn không hình dung được những tính toán chi li của người nghèo chỉ vì… bạn chưa nghèo đến như họ!

Hoặc giả có một số kiêng cữ nào đó, như các luật lệ truyền lại từ xưa, rằng đoàn đón dâu phải đi thẳng về ngay, đi tới nơi về tới chốn chứ không được ghé ngang ghé dọc làm “mất may” cho mối nhân duyên? Vậy nên phải tính toán làm sao cho trùng khớp giờ rước dâu cho xuôi lọt may mắn!

Dù là trường hợp nào, thì cả một gia đình đã đành chấp nhận đưa mình cho may rủi. Lên đường xuyên đêm trên những con đường, là tự hãm mình vào cái xác suất cao nhất bị tai nạn giao thông, chỉ khi chẳng đặng đừng người ta mới phải lựa chọn.

Lẽ nào gia đình bất hạnh ấy không từng nghĩ tới điều đó? Họ đã lựa chọn giữa sự tiết kiệm, sự tuân giữ luật tục, hay điều khì khác nữa… với chính an nguy sinh mạng của mình?

Họ đi rồi. Họ có từng nghĩ và chấp nhận, hay họ vô tư mà chấp nhận, thì họ cũng đi rồi. Câu hỏi để cho những người còn ở lại. Điều tôi muốn nghĩ tiếp, là những người ở lại đây, từ bắc tới nam, có tự đặt cho mình câu hỏi đó khi bàng hoàng “chứng kiến” những tai nạn làm rung động tâm can như thế? Tự hỏi, và phác thảo cho mình một thái độ, chuẩn bị cho mình một kế hoạch - có lẽ là điều khiến cho những mất mát còn mang chút ý nghĩa, những người phải ra đi có được chút an ủi cuối cùng.

Hãy đau đớn, cảm thông, xuýt xoa, bàn tán… và cuối cùng hãy tự đặt một câu hỏi trước bất cứ sự bất thường nào mình gặp thấy mỗi ngày. Điều đó có lẽ sẽ ảnh hưởng đến những con số thống kê mà bạn không thể ngờ được.

C.B.L

C.B.L