Đông Giang hôm nay
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt mà Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa huyện Đông Giang chú trọng.
Tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở Đông Giang. ẢNH: L.T |
Kết quả đáng mừng
Là một trong những huyện miền núi với điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, sau 15 năm xây dựng và phát triển, huyện Đông Gang đã có 11/11 xã và 90/95 thôn có đường ô tô đến được trung tâm xã thôn vào hai mùa mưa nắng; gần 100% hộ dân được sử dụng điện và nước sinh hoạt. Hạ tầng du lịch và dịch vụ có chuyển biến khá, hình thành mô hình du lịch cộng đồng, gắn với khai thác tiềm năng văn hóa Cơ Tu… nên đời sống nhân dân ổn định và từng bước phát triển. Ông Lê Văn Luyến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Mặt trận các cấp chú trọng theo hướng phát huy đội ngũ già làng, trưởng bản, các nghệ nhân dân gian tham gia vận động mọi người dân đoàn kết phát triển kinh tế, chung tay xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa... Nhờ vậy, năm 2017, toàn huyện có 5.378 hộ (81%) đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 77 thôn văn hóa (79%); hoàn thành xây dựng 57 gươl và 26 nhà sinh hoạt cộng đồng. Các giá trị văn hóa Cơ Tu tiếp tục được quan tâm giữ gìn và phát huy.
Đi đôi với việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được Liên đoàn Lao động huyện quan tâm triển khai theo hướng nâng chất phong trào. Ngay từ đầu năm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã cam kết hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh ổn định, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước... Cuối năm 2017, toàn huyện có 39 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Việc cưới đồng bào phần lớn thuận theo hôn nhân đúng luật, giảm đáng kể việc ép hôn, gả con nhỏ, đòi của; việc tang lễ được các gia đình có người qua đời thông tin cho chính quyền địa phương, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế các hủ tục lạc hậu, mê tín; các lễ hội văn hóa truyền thống của người Cơ Tu được khôi phục, bảo tồn và phát huy rõ nét: từ các giá trị truyền thống làng cổ Cơ Tu, làng nghề truyền thống, trang phục, trang sức, đến các lễ thức như lễ hội mừng lúa mới, lễ cưới hỏi, lễ bỏ mã… được bà con nhân dân tổ chức chu đáo, tiết kiệm. Tại các sự kiện văn hóa, những vũ điệu tâng tung da dá hòa cùng với tiếng khèn aben và tiếng cồng, tiếng chiêng theo nhịp trống đã tạo nên một âm hưởng vang vọng trong không gian của núi rừng đại ngàn hùng vĩ.
Văn hóa, hướng đi mới
Những tín hiệu vui trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Đông Giang là Bộ VH-TT&DL đã công nhận nói lý, hát lý của người Cơ Tu là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì thế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần này được chính quyền địa phương quan tâm “hỗ trợ” trên nhiều phương diện. Việc tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy vai trò làm chủ của mình để góp sức cùng chính quyền khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng và giàu bản sắc được chú trọng. Việc tổ chức hoạt động của các trung tâm Văn hóa - thể thao cấp xã trên cơ sở hợp nhất các cơ sở hiện có như nhà văn hóa, sân vận động, nhà luyện tập thể dục - thể thao, đài truyền thanh, trung tâm học tập cộng đồng, khu vui chơi trẻ em, Bưu điện văn hóa… do phó chủ tịch xã phụ trách văn hóa trực tiếp làm chủ nhiệm; 45/79 thôn có đội múa trống chiêng; khuyến khích cho nhân dân tại các địa phương khai thác chế biến các giá trị văn hóa ẩm thực để dùng trong các ngày lễ hội, ngày tết như: cơm lam, bánh sừng trâu, rượu tà đin, tà vạt…
Trên nền tảng truyền thống văn hóa đồng bào Cơ Tu, những người làm công tác văn hóa ở huyện Đông Giang đã chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa - lễ hội để thu hút du khách đến với vùng đất và con người huyện Đông Giang trong thời kỳ đổi mới. “Thông qua cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Văn hóa Cơ Tu trên đà phát triển” hay liên hoan nghệ thuật các dân tộc kết hợp thi nói lý, hát lý trên địa bàn huyện đã tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào các dân tộc Cơ Tu và du khách gần xa biết đến văn hóa Đông Giang” - bà A Ting Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ.
Đến với huyện Đông Giang hôm nay, du khách cảm nhận được sức sống mới từ sự kết đoàn, hồi sinh các giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Huyện Đông Giang chào đón những bước chân du khách gần xa đến chia vui bằng cảnh quê bình yên, tĩnh lặng và giàu bản sắc văn hóa riêng...
LÊ NHƯ