Thuốc nam ở làng quê
Ở làng quê, người ta trồng đủ thứ cây trong vườn mà có khi không biết đó là cây thuốc. Tôi thường hỏi chuyện mấy vị đông y sĩ và đọc sách cũ, nên biết thêm làng nào cũng đang sở hữu nhiều vị thuốc dân gian hữu ích.
Nhiều vị thuốc dân gian có thể được tìm thấy từ các loại rau củ ở vườn quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Cây xoài chữa được nhiều bệnh
Nhà văn Sở Cuồng Lê Dư là em rể của nhà văn Phan Khôi có nhiều bài thuốc gia truyền, thuốc ngoại khoa hay. Khi làm quan ở Quảng Bình, ông đã giúp nhiều người chữa được bệnh. Riêng với cây xoài thì cụ Lê Dư từng chữa cho Tuần phủ Đồng Hới năm 1932 là ông Nguyễn Phiên. Ông này đau răng không mở miệng ăn uống gì được. Dùng đủ loại thuốc Tây, Tàu đều không khỏi. Lê Dư hướng dẫn dùng dao đẽo 5 miếng vỏ cây xoài ở mặt hướng tây, đoạn cách mặt đất khoảng 50cm. Gọt bỏ phần da, xắt mỏng đem sắc với hai bát nước, lấy một bát dùng súc miệng nhiều lần, mỗi lần lâu 5 - 10 phút. Mấy ngày sau hết đau răng, ông Phiên nói với Lê Dư: “Thuốc ông là thuốc thánh thật! Vật khinh mà giá trọng. Ta nằm trên thuốc mà không biết, ngay trước mắt mà cứ tìm đâu xa…”. Sinh thời Sở Cuồng Lê Dư từng chữa đau răng theo cách này cho nhiều nhân vật như ông Hầu Ưng Loại người hoàng tộc, quan hỏa xa Lê Văn Thinh… đều khỏi.
Trên báo Công Luận (tháng 10.1934) và tạp chí Khoa học phổ thông của kỹ sư Lâm Văn Vãng, tác giả Phó Đức Thành có một bài viết tỉ mỉ về công dụng trị bệnh của các thành phần trong cây xoài để phổ biến cho người đọc áp dụng. Theo tác giả, ăn xoài trái chữa được các bệnh về thần kinh, ho gió, ngạt mũi; hột xoài phơi khô, xay nhỏ, ngâm rượu hoặc rắc vào chỗ đau cũng trị được chứng đau răng. Bên Ấn Độ, nhựa khô từ thân cây xoài trộn với lòng trắng trứng gà chữa được bệnh thổ tả hoặc hòa với nước chanh bôi vào chỗ ngứa trị bệnh ghẻ và mụn nhọt rất công hiệu.
Riêng lá xoài, theo các thầy đông y, người xưa nấu nước uống cũng chữa được tiêu khát, thổ tả…
Hành củ, một “thần dược”
Tục ngữ từng có câu “Thịt một dành, không hành không ngon”. Còn trong Đông y, từ xưa hành đã là vị thuốc quý chữa các bệnh cảm hàn, nóng sốt nhưng không ra mồ hôi (nấu cháo với tía tô và hành). Trẻ con bị no hơi, ông bà mình thường lấy hành củ giã với con gián đất chườm vào lỗ rốn thì giảm hẳn.
Thời nhỏ, phụ nữ ở nông thôn đi chân không thường đạp gai khi làm vườn, tôi nhớ các bà thường lấy hành củ hoặc cả cây hành tươi giã với muối hạt rịt vào chỗ đau thì cây gai tự rớt ra. Các vị lương y cho rằng công hiệu như trên là vì trong hành có chất thông khiếu.
Trên tạp chí Khoa học Phổ thông của kỹ sư Lâm Văn Vãng ấn hành ở Sài Gòn năm 1935 có dẫn kết quả nghiên cứu của bác sĩ người Nga là G. Lakhovsky đối với củ hành. Theo Lakhovsky vì trong hành có chứa chất điện dẫn, nên khi ăn hành tươi, luồng điện ấy tác động và làm thay đổi luồng điện trong con người. Do vậy ăn nhiều hành có thể ngừa được ung thư. Vị bác sĩ trên dẫn ra nhiều ví dụ: Những xứ người dân ăn nhiều hành như Nga và Phó Lan Nhĩ (không rõ nước nào) ít khi mắc bệnh ung độc. Tạp chí Khoa học phổ thông cho biết dân các nước Hungaria, Bulgaria nhờ ăn nhiều hành nên tỷ lệ người bị ung độc chỉ chưa bằng 1/10 số người ở nước Pháp; ngược lại nhiều người ở 2 nước kia sống thọ đến cả 120 tuổi! Dân các nước khối Ả Rập cũng ăn nhiều hành sống nên cũng ít ai bị ung độc và sống lâu. Từ đầu thế kỷ 20, bác sĩ Lakhovsky kết luận trong công trình của mình rằng “Hành vừa là thực phẩm nhưng còn là vị thuốc rất quý”.
Ở các vùng nông thôn, người ta còn giã hành củ lấy nước đắp vào những chỗ lở loét ngoài da cũng mau lành và không để lại vết sẹo…
Vài cách chữa từ lá cây trong vườn
Mùa hè năm 1979 trời miền Bắc rất nóng khi tôi đi công tác ở Hà Nội. Lúc về đến Vinh (Nghệ An), cả hai mắt đều đỏ rực, công lên không chịu được. Một bà cụ ở Vinh đã ra vườn ngắt mấy lá “trầu không” vào giã nhỏ với mấy hạt muối sống. Sau đó, đổ nước sôi vào cốc cùng với chỗ trầu giã với muối đó, đưa cho tôi xông lên hai mắt. Chỉ 5 phút sau đã thấy hiệu nghiệm. Sáng hôm sau mắt tôi đã trở lại bình thường.
Tôi đem kinh nghiệm này kể cho nhiều người và hầu hết họ đều chữa khỏi chứng đau mắt khi người nhà mắc phải.
Trong vườn nhà ở nông thôn thường trồng tre. Nhiều bài thuốc của Thiền sư đại y Tuệ Tĩnh liên quan đến cây tre, tôi nhớ có hai bài thuốc rất hay: Dùng nước trong cây măng tre hòa với nước gừng uống hằng ngày để điều trị bệnh tiểu đường; người bị tắc tiếng cũng dùng nước măng tre hòa với sữa để uống và dùng nước nấu từ lá tre pha ít muối để ngậm có thể chữa bệnh chảy máu chân răng ở trẻ con…
Cây rau tần trong mỗi vườn nhà ở Quảng Nam là loại thuốc quý. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, chuyên khoa Nhi, từng bày tôi giã lá rau tần cho trẻ con uống giảm sốt rất hiệu quả. Anh nói với tôi, hai vợ chồng anh đều là bác sĩ nhưng không cho con mình uống thuốc kháng sinh và chỉ dùng rau tần để chữa trị giảm sốt. Vì vậy tôi thường trồng mấy chậu cây này trong vườn phòng khi cần đến…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG