Chăm lo đời sống người có công

DIỄM LỆ 27/07/2018 12:31

Cùng với việc thực hiện tốt công tác xác nhận chế độ, chính sách ưu đãi, việc  chăm lo đời sống người có công (NCC) ngày một tốt hơn được cả cộng đồng thực hiện . Hiện, trên 97% gia đình chính sách tại Quảng Nam có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Những ngày này, nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hoa lúc nào cũng vui hơn khi có người đến thăm. Ảnh: D.L
Những ngày này, nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hoa lúc nào cũng vui hơn khi có người đến thăm. Ảnh: D.L

Không để NCC khó khăn

Những ngày tháng 7, căn nhà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phan Thị Hoa ở xã Tam Đàn (Phú Ninh) thường xuyên có người ra vào thăm hỏi. Căn nhà nhỏ vui hơn khi tháng 7 về, các con lại đến bên mẹ. Đoàn viên thanh niên đến dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cho mẹ. Các đoàn khách đến thăm, nghe mẹ kể về thời chiến tranh khói lửa oai hùng. Chín mươi tuổi, nhưng mẹ còn minh mẫn, thấy người nào có tạng người cao to, mẹ lại nhớ con trai đầu đã trở thành liệt sĩ. Mẹ Hoa hồi tưởng: “Con trai đầu của mẹ to cao lắm! Nó có vợ mới dạm hỏi, rồi đi bộ đội đằng đẵng, đến lúc nhận tin thì nó đã hy sinh. Nó theo chân cha nó chiến đấu, cống hiến cho quê hương”.

Không riêng mẹ Hoa, tất cả Mẹ VNAH còn sống ở huyện Phú Ninh đều được nhận chăm sóc, phụng dưỡng bởi các đơn vị trong và ngoài huyện. Đối với NCC là thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, hiện Phú Ninh còn 33 người gặp khó khăn trong cuộc sống. Những trường hợp này, Huyện ủy Phú Ninh đã phát động phong trào trợ giúp NCC khó khăn bằng sự đóng góp của toàn thể cán bộ, viên chức, công chức huyện. Mỗi người tùy tâm, đóng góp tiết kiệm mỗi tháng 20 - 50 nghìn đồng để hỗ trợ thêm cho gia đình NCC khó khăn, mỗi trường hợp 300 - 500 nghìn đồng/tháng. Sự chung tay này đã giúp cho NCC vơi bớt những vất vả thường nhật mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

TP.Tam Kỳ cũng vừa rà soát lại toàn bộ đời sống của các gia đình NCC trên địa bàn. Mừng là không còn NCC nào thuộc diện hộ nghèo, đời sống của NCC ổn định cùng với sự phát triển của thành phố. Có 12 trường hợp Mẹ VNAH còn sống được phụng dưỡng với mức thấp hơn mức lương cơ bản nên thành phố đã vận động thêm được hai đơn vị nhận phụng dưỡng, với mức tăng thêm 1 triệu đồng/mẹ. Ông Nguyễn Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết: “Trước ngày 27.7 này, hai đơn vị đã đến tận nhà các mẹ, làm lễ nhận phụng dưỡng, trao quà và tiền phụng dưỡng đợt 1. Như vậy, đến nay, 27 Mẹ VNAH còn sống đều đã được nhận phụng dưỡng trọn đời với số tiền bình quân đều hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Dịp 27.7 này, lãnh đạo thành phố cũng đã đến thăm những trường hợp NCC là Mẹ VNAH, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, NCC ốm đau, bệnh tật, nhằm động viên tinh thần cho NCC sống tốt hơn”.

Xã hội chung tay

Việc thực hiện các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC trên địa bàn tỉnh đã được xã hội dành sự quan tâm lớn. Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Thực hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác thương binh liệt sĩ, chăm sóc NCC đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, NCC với cách mạng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần NCC cách mạng đã trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Toàn tỉnh có 15.039 Mẹ VNAH, trong đó có 2.581 mẹ được phong tặng, 812 mẹ còn sống đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời, mức phụng dưỡng bình quân 800 nghìn đồng/tháng. Các địa phương đều đang cố gắng vận động thêm các nguồn để nâng mức phụng dưỡng  cao hơn. NCC định kỳ được chăm sóc sức khỏe qua các đợt điều dưỡng luân phiên, điều dưỡng tại gia. Đến nay, có 97,28% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện”.

Không chỉ phụng dưỡng hàng tháng, nhiều cơ quan, đơn vị ở xa vẫn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi các mẹ lúc ốm đau. Nhiều đơn vị ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hàng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình, tổ chức cho mẹ đi tham quan, du lịch… Cùng với đó, công tác chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, nhận đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... được các địa phương, các ngành, đoàn thể quan tâm; hội viên Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn viên thanh niên nhận làm người dâu hiền - rể thảo, thường xuyên chăm sóc bố mẹ liệt sĩ; nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề. Đối với NCC thuộc hộ nghèo, toàn tỉnh còn 846 hộ với 3.733 nhân khẩu, trong đó khu vực đồng bằng có 75 hộ, miền núi 771 hộ.

UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH xây dựng đề án hỗ trợ hộ NCC nghèo thoát nghèo bền vững, và Sở LĐ-TB&XH đang xin ý kiến đóng góp của các sở, ngành. Nếu đề án này được hiện thực hóa, toàn tỉnh sẽ không còn NCC nghèo khi NCC còn sức lao động, có điều kiện về đất đai thì sẽ được hỗ trợ sinh kế bền vững. NCC đã lớn tuổi, ốm đau, bệnh nặng thì sẽ được hỗ trợ thêm một khoản trợ cấp hàng tháng từ nguồn ngân sách tỉnh để họ có mức thu nhập vượt qua chuẩn nghèo và cận nghèo. Sự vào cuộc này được xem là bước đi quan trọng, góp phần chăm lo cho đời sống NCC tốt hơn, để không hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ