Bệnh sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân: Chú trọng phòng ngừa
Sở KH-CN vừa nghiệm thu đề tài “Xác định tác nhân nhiễm trùng và đặc điểm lâm sàng ở bệnh nhân sốt cấp tính chưa rõ ràng nguyên nhân tại Quảng Nam”, do ThS-BS. Lê Viết Nhiệm và TS-BS. Lê Viết Nho (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam) đồng chủ nhiệm.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa cũng là giải pháp hạn chế bệnh sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: Internet |
Theo TS-BS. Lê Viết Nho, sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân là bệnh sốt cao hơn 38oC, thời gian sốt hơn 21 ngày, không có bằng chứng nhiễm trùng khu trú. Sốt cấp tính cần được nghiên cứu cẩn thận vì đây là dấu hiệu ban đầu của một nhiễm trùng nặng. Việc xác định sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân thực sự là một thách thức cho các nhà lâm sàng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển do sự hạn chế của các công cụ chẩn đoán, sự đa dạng của các nguyên nhân sốt và biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu cho nguyên nhân bệnh. Do đó, việc trang bị kiến thức về tác nhân gây sốt cấp tính tại địa phương và các thiết bị xét nghiệm sẵn có là điều kiện cần để tiếp cận bệnh nhân sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân.
Để tìm ra tác nhân gây bệnh, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đối tượng nghiên cứu có độ tuổi hơn 15 tuổi trở lên. Cụ thể, từ tháng 5.2016 đến 9.2016, nhóm nghiên cứu tiếp cận 378 ca bệnh nhóm sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân và 384 ca bệnh đối chứng. Các đối tượng trải qua hai lần lấy mẫu bệnh phẩm (máu toàn phần và huyết tương, nước tiểu, phết họng, phân, vết loét…); trải qua các bước khám nghiệm dịch tễ học, lâm sàng và cận lâm sàng cơ bản, trải qua quy trình xét nghiệm tìm tác nhân nhiễm trùng (xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán, sinh học phân tử)… Theo đánh giá, tác nhân gây bệnh là do nhiễm trùng, trong đó tác nhân chính là do sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm leptospira, sốt mò, nhiễm rickettsia. Nguyên nhân gây sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân có thể do thay đổi vùng dịch tễ, mùa, phổ bệnh và các phương tiện chẩn đoán tại chỗ. Tuy nhiên, do tính đa dạng về mặt tác nhân gây bệnh và sự hạn chế về các phương tiện chẩn đoán, nên vẫn còn một tỷ lệ lớn không xác định được nguyên nhân.
Qua phân tích, đánh giá, các nhà nghiên cứu đúc kết, đặc điểm dịch tễ của bệnh nhân sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân là dịch tễ đi rừng, một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có đi rừng và chủ yếu độ tuổi lao động từ 15 đến 64. Tác nhân bệnh kèm, cơ địa, chủ yếu là bệnh mạn tính đi kèm chủ yếu là tăng huyết áp, tỷ lệ tăng dần theo các nhóm tuổi. Ngoài ra bệnh nhân còn bị triệu chứng đau đầu, ớn lạnh, lạnh run, chán ăn, nhiều bệnh nhân có đỉnh sốt trung bình hơn 39oC. Một số bệnh nhân có triệu chứng thường gặp như đau đầu (80,95%), chán ăn (54,52%)... Dấu hiệu thực thể trên bệnh nhân là hồng ban (4,27%), sưng hạch (3,98%), vết loét (3,17%) và xuất huyết dưới da (2,41%)...
Về tác nhân gây bệnh sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân, theo các nhà nghiên cứu có 57,4% bệnh nhân được xác định nhiễm ít nhất một tác nhân gây bệnh. Trong đó, 38,1% nhiễm một tác nhân vi khuẩn hoặc vi rút, 13,5% đồng nhiễm 2 tác nhân vi rút và/hoặc vi khuẩn, 5,8% đồng nhiễm 3 tác nhân vi rút và/hoặc vi khuẩn. Nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân là do cúm, sốt mò và nhiễm rickettsia khác, nhiễm leptospira, sốt xuất huyết dengue, nhiễm vi rút HH khác (VR Adeno, Entero). Nhóm nghiên cứu chưa tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của vi rút Zika và vi rút Chikungunya tại Quảng Nam gây bệnh sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân.
TS. Nho khuyến cáo, trong thực hành tại các bệnh viện tại Quảng Nam, tùy theo khả năng của cơ sở y tế, nên chú ý trang bị các bộ kít xét nghiệm nhanh sốt xuất huyết Dengue, xét nghiệm miễn dịch chẩn đoán các bệnh sốt xuất huyết Dengue, nhiễm Rickettsia, Leptospira, xét nghiệm chẩn đoán cúm. Cần thiết xây dựng bộ hướng dẫn tiếp cận và chẩn đoán, điều trị bệnh nhân sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Cần có chương trình tiêm ngừa cúm hằng năm cho các đối tượng nguy cơ nhiễm cúm nặng như phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính nặng. Cần có những nghiên cứu tiếp theo cùng chủ đề trên bệnh nhi để xác định tác nhân gây sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em; nghiên cứu theo hướng “One health” trên người - động vật - môi trường… để có hướng phòng và điều trị hợp lý, kịp thời…
TRIÊU NHAN