Hồn treo đầu nguồn

C.B.L 26/07/2018 08:43

Hôm qua 25.7, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, đã có hàng trăm người chết và mất tích do thủy điện Setien Senamnoi bị vỡ. Thủy điện Setien Senamnoi có công suất  410MW, sản lượng hàng năm ước đạt 1.860GWh, đã hoàn thiện 90%, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2019. Trực thăng và thuyền cứu hộ đang chạy đua từng phút để có thể cứu nạn những người còn mắc kẹt. Nhìn dòng nước đỏ ngầu từ 5 tỷ mét khối nước cuốn phăng nhà cửa và tất cả mọi thứ, nhiều người nghĩ ngay đến trận đại hồng thủy từng được mô tả trong truyền thuyết. Kinh hoàng.

Con thuyền Nô-ê nào kịp cứu vớt họ, trong cơn đại hồng thủy này?

Giữa thảm họa của nước bạn, lại rùng mình hình dung đến một thảm họa nào đó trong tương lai trên nước Việt. Quảng Nam có hơn 10 hồ đập thủy điện lớn phía thượng nguồn, trong đó có 6 nhà máy thủy điện (Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2) trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Các hồ thực hiện vận hành theo quy trình vận hành liên hồ - một quy trình từ khi ban hành đến nay vẫn tranh cãi xoay quanh những bất cập và quan trọng là vẫn chưa thay đổi quy trình. Tôi đang nghĩ đến một điều… Nếu vỡ đập liên hồ, thì sức công phá sẽ lớn đến cỡ nào đối với hạ lưu? Toàn bộ khu vực này sẽ bị quét sạch chỉ trong nháy mắt. Vụ vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 hồi tháng 9.2016, mà cảnh tháo chạy của người dân làng Pà Ol, xã La Êê, Nam Giang hẳn còn hằn sâu nỗi ám ảnh đối với bất kỳ ai từng chứng kiến.

Nhẩm đếm lại, hơn 40 dự án thủy điện đã được phê duyệt trên địa bàn Quảng Nam. Nên người ở hạ du Vu Gia - Thu Bồn nhưng hồn đang treo đầu nguồn, với những quả bom nước.

Từ Vu Gia - Thu Bồn, lại ngẫm về Mê Kông. Năm 1971, Nam Ngum - đập thủy điện lớn đầu tiên của Lào trên phụ lưu sông Mê Kông được xây dựng. Biết đâu từ đấy, đã ẩn tàng thảm họa. Đến năm 2012, Lào xây dựng đập Xayabury, gây ra nhiều tranh cãi đối với các nước trong Ủy hội sông Mê Kông do những lo ngại về môi sinh và kinh tế đối với các quốc gia hạ lưu. Năm 2014, khi Trung Quốc hoàn tất hơn phân nửa dự án chuỗi đập bậc thềm Vân Nam trên lưu vực sông Mê Kông, các chuyên gia đầu ngành của Ủy hội sông Mê Kông đã đưa ra cảnh báo: Mê Kông sẽ cạn dòng. Các quốc gia hạ lưu, trong đó có Việt Nam, một nước cuối nguồn sẽ phải trả giá rất đắt về môi sinh. Thực tế này đang diễn ra ngày một rõ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các nước đều tham vọng phát triển kinh tế. Nên vẫn chưa có phương cách nào bao trùm để có thể cứu lấy Mê Kông. Với thủy điện, thì thảm họa có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, như những gì người dân Lào đang hứng chịu từ đập Setien Senamnoi vỡ.

Xin gửi một tiếng kinh cầu cho những phận người mỏng manh bên kia dãy Trường Sơn.

C.B.L

C.B.L