Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

DIỄM LỆ 25/07/2018 14:02

Ngày 23.5.2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là bước chuyển biến quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước.

Hiện nay, người dân của tỉnh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là chính. Ảnh: D.L
Hiện nay, người dân của tỉnh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là chính. Ảnh: D.L

Hệ thống chính sách đa tầng

Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế là tinh thần cốt lõi của NQ số 28. Để thực hiện được điều này cần thiết phải huy động các nguồn lực xã hội để có sự hỗ trợ cho những nhóm có điều kiện khó khăn như người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi. Mục tiêu hướng tới là bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Theo ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, khái niệm đa tầng ở đây hướng đến là phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, tầng 1 là trợ cấp hưu trí xã hội sẽ bao phủ diện rộng. Như hiện nay người từ 80 tuổi trở lên đang được hưởng trợ cấp 270 nghìn đồng/tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí. Những người cao tuổi 60 - 80 tuổi chưa hưởng được chế độ trợ cấp của Nhà nước, sẽ được đưa vào diện hưu trí xã hội. Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hàng tháng.

Ngoài ra, có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn, điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp khả năng của ngân sách. Tầng 2 là lương hưu cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay đã hưởng đầy đủ các chế độ, nhưng BHXH tự nguyện chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất, nên sẽ được mở rộng sang các chế độ khác dựa trên sự tham gia của người dân. Tầng 3 là hưu trí bổ sung, đây là chính sách mở rộng nhằm tạo điều kiện cho mọi người được tham gia để nhận lương hưu cao hơn. Nghĩa là khi đã có chế độ hưu trí rồi, nhưng người nào có nhu cầu hưởng lương hưu cao hơn thì tham gia thêm vào chính sách này. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay nặng về xử lý hậu quả, nên cải cách sẽ hướng đến dùng nguồn quỹ này hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cải tiến công nghệ, thu hút đơn hàng, duy trì việc làm, giữ chân người lao động, hỗ trợ cho người lao động có điều kiện quay lại thị trường lao động khi thất nghiệp.

Áp lực không nhỏ

NQ 28 đã đề ra những mục tiêu cụ thể trong lộ trình BHXH toàn dân. Những chỉ tiêu chủ yếu gồm lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đến năm 2021 đạt khoảng 35%, đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt 60%; lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến năm 2021 đạt 28%, 2025 đạt 35%, 2030 đạt 45%; số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội năm 2021 đạt 45%, 2025 đạt 55%, 2030 đạt 60%. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đến năm 2025 đạt 80%, 2025 đạt 85%, 2030 đạt 90%.

Thực hiện NQ 28 là một thử thách không nhỏ đối với nguồn ngân sách tỉnh và điều kiện đời sống người dân trong tỉnh, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Hiện nay, người dân trong tỉnh chủ yếu tham gia chính sách BHYT theo diện hộ gia đình, còn BHXH tự nguyện chỉ có 1.172 người tham gia (đến hết tháng 6.2018). Khi tham gia chính sách BHXH tự nguyện, người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất đối với một số nhóm đối tượng. Mức hỗ trợ lần lượt bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm. Theo đánh giá của BHXH tỉnh, dù chính sách này bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2018, nhưng số người tham gia BHXH vẫn không gia tăng bao nhiêu. Những người tham gia BHXH tự nguyện phần đông từng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa đủ thời gian hưởng lương hưu nên tự nguyện tham gia thêm. Ngoài ra, thực hiện chính sách BHXH đa tầng, nguồn ngân sách tỉnh phải đảm bảo đối với nhóm trợ cấp hưu trí xã hội, nên sẽ gây áp lực không nhỏ đối với ngân sách.

Ông Phạm Ngọc Hà cho biết: “Hiện nay, hệ thống đại lý thu của BHXH ở cấp xã vẫn còn yếu về nghiệp vụ, nên việc vận động người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện rất hạn chế. Yếu ở đây là về kỹ năng vận động, thuyết phục người dân tham gia chính sách, chưa tuyên truyền đến với người dân những lợi ích thiết thân mà họ được hưởng khi tham gia BHXH. Người làm công tác đại lý thu chủ yếu kiêm nhiệm, có thể là cán bộ xã, thôn và hệ thống đại lý bưu điện. Hơn nữa, các loại hình bảo hiểm nhân thọ có sự cạnh tranh mạnh, chiết khấu họ chi lại cũng cao hơn so với loại hình BHXH tự nguyện nên nhiều khi đại lý cũng không mặn mà. Mặt khác, đời sống người dân còn chưa cao nên họ chưa nghĩ đến việc để dành cho tuổi già”.

Vì thế, khi thực hiện NQ 28, ông Hà nhận định chắc chắn sẽ gặp nhiều thử thách. Ngành BHXH xác định phải đổi mới, xây dựng cho được hệ thống đại lý chuyên nghiệp, đổi mới, tăng độ bao phủ; công tác tuyên truyền phải tăng được niềm tin trong nhân dân với nội dung phù hợp, sát điều kiện thực tế. Ngoài ra, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể cùng vào cuộc có vai trò hết sức quan trọng trong lộ trình thực hiện NQ 28 trên địa bàn tỉnh.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ