Tọa đàm tìm giải pháp phục hồi rừng tự nhiên
Ngày 24.7, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và thiên nhiên - PanNature tổ chức tọa đàm “Phục hồi rừng tự nhiên: Điều kiện và yêu cầu cải thiện chính sách lâm nghiệp” nhằm tìm giải pháp bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên bền vững.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên thông tin, năm 2017 tổng diện tích rừng của Việt Nam hơn 14,41 triệu héc ta, trong đó có hơn 10,23 triệu héc ta rừng tự nhiên và hơn 4,17 triệu héc ta rừng trồng. Tuy nhiên, xét riêng từng loại, rừng tự nhiên đã giảm hơn 5.726ha so với năm 2016. Trong khi thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong số hơn 10,24 triệu héc ta năm 2016 thì diện tích rừng gỗ chỉ chiếm hơn 8,83 triệu héc ta, còn lại là rừng tre nứa thuần, rừng hỗn hợp và rừng cau dừa. Và trong số hơn 8,83 triệu héc ta rừng gỗ tự nhiên, chỉ có 8,7% là rừng giàu… Bên cạnh đó, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế, mặc dù độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên trong hai thập kỷ qua, song chất lượng rừng lại giảm; diện tích rừng suy kiệt ngày càng tăng, ngay cả khi có rừng trồng mới thì mật độ cây nhìn chung vẫn giảm.
Với thực trạng nêu trên, nhiều đại biểu cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam tăng thêm khoảng 100.000ha rừng đặc dụng theo chỉ tiêu đề ra của Bộ NN&PTNT là rất khó… Nhiều chuyên gia, nhà khoa học về lâm sinh, lâm nghiệp cũng chỉ ra nguyên nhân của việc suy giảm số lượng lẫn chất lượng diện tích rừng tự nhiên; kiến nghị giải pháp sớm phục hồi rừng, trồng rừng thay thế; đánh giá thực trạng sử dụng đất rừng ở các chủ rừng khác nhau; đề xuất giải pháp kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong nỗ lực phục hồi rừng…
HOÀNG LIÊN