Hướng đến ngày Thương binh - liệt sĩ 27.7: Còn sức còn cống hiến

DIỄM LỆ 25/07/2018 09:07

1. Con ngõ dẫn vào nhà ông Huỳnh Đức Huệ (con liệt sĩ, thôn Phái Bắc, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) sum sê cây trái. Đang vào mùa thanh trà nên từ trong vườn ra ngoài ngõ chỗ nào cũng thấy trái treo lủng lẳng. Trước nhà có một cái ao khá rộng, vừa là nơi ông Huệ nuôi cá các loại, vừa là nguồn cung cấp nước tưới cho khu vườn. Mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng này của ông Huệ đã được nhân rộng trong thôn. Nhiều người dân được ông tận tình bày cách trồng cây, nuôi cá, thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của họ.

Ông Huỳnh Đức Huệ với vườn cây trái sum suê của mình. Ảnh: D.L
Ông Huỳnh Đức Huệ với vườn cây trái sum suê của mình. Ảnh: D.L

Trong thời kỳ chiến tranh, là con liệt sĩ nên ông Huệ dù đã nhiều lần đăng ký đi bộ đội vẫn không được chấp nhận, bởi như cấp trên nói, nhiệm vụ của ông phải lo cho cuộc sống của mẹ và các em, vì ông là lao động chính trong gia đình. Ông được cho đi học, rồi về làm việc tại thị trấn Tiên Kỳ, trải qua nhiều vị trí công tác từ năm 1975 đến 1989. Sau khi về hưu, năm 1993 ông được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ thôn Phái Bắc. Thời điểm này, Phái Bắc là thôn khó khăn nhất của thị trấn Tiên Kỳ, đời sống người dân còn muôn phần cơ cực. Ông Huệ nghĩ, bắt tay vào vực dậy đời sống người dân không gì khác chính là giúp họ làm kinh tế. Mà muốn dân tin và làm theo, bản thân ông phải làm trước. Vừa làm nhiệm vụ dân vận, động viên nhân dân cải tạo vườn nhà để trồng các loại cây ăn quả, ông Huệ cũng phải thực hiện trong chính khu vườn của mình. Tiêu, chuối, măng cụt, lòn bon, cau là những loại cây ông Huệ chọn trồng. Vườn được chất bờ đá để bảo vệ và làm đẹp, các loại cây trồng thành từng khu, đúng theo kỹ thuật mà ông được tập huấn. Thửa ruộng trước nhà cho năng suất kém, ông Huệ cải tạo thành ao nuôi cá, vừa lấy nước tưới vườn.

Ông Hồ Ngọc Thơ trò chuyện cùng người mẹ đã 98 tuổi của mình, cũng là mẹ liệt sĩ. Ảnh: D.L
Ông Hồ Ngọc Thơ trò chuyện cùng người mẹ đã 98 tuổi của mình, cũng là mẹ liệt sĩ. Ảnh: D.L

Mô hình của ông Huệ trở thành mô hình điểm cho người dân đến học tập kinh nghiệm. Ông còn nhân giống cây hỗ trợ người dân đem về trồng. Phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình vườn xanh, nhà sạch, ngõ đẹp nở rộ ở Phái Bắc. Cùng với ban quân dân chính ở thôn, ông Huệ đến từng nhà để thăm hỏi, ai làm tốt thì phát huy, ai chưa làm được thì rút kinh nghiệm và động viên họ làm tiếp. Cứ thế, những cố gắng không mệt mỏi của ông Huệ được đền đáp, khi Phái Bắc từ thôn có gần 40% số hộ nghèo lúc ông bắt đầu làm Bí thư Chi bộ vào năm 1993, đến năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 4%. Năm 2017 Phái Bắc còn được tuyên dương là thôn văn hóa tiêu biểu 15 năm liền. Đây thực sự là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của ông Huệ.

2. Mới 16 tuổi đã xung phong đi bộ đội, ông Hồ Ngọc Thơ (thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân, Phú Ninh) được phiên vào lực lượng bộ đội chính quy của thị xã Tam Kỳ. Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng quê hương, làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, ông Thơ trở về quê với hàng chục vết thương còn trên thân thể, dăm ba mảnh đạn còn ghim trong người. Ông vừa là thương binh, bệnh binh, vừa thuộc diện người bị nhiễm chất độc hóa học. Nhưng những điều đó không thể ngăn ông tiếp tục cống hiến cho quê hương. Nhớ lại những ngày được phân công tăng cường hỗ trợ chính quyền xã Kỳ Ngọc (nay là Tam Dân) sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, ông Thơ kể, ông được phân công phụ trách công tác vùng địch, vừa làm dân vận xây dựng cơ sở, vừa vận động lực lượng bổ sung, lo thu mua và vận chuyển lương thực cho vùng phía sau. Tác chiến trong lòng địch nên ngày địch ở nhưng đêm ta phải có mặt. “Lúc đó, cứ đến đêm là anh em lại lần mò đi vào trong xóm để làm công tác dân vận. Có lần một đồng đội nói chỉ ước sao ta được đi trên đường của ta một cách hiên ngang, không phải mò mẫm thế này. Có biết bao anh em chưa kịp thấy điều ước này thành hiện thực thì đã hy sinh. Thế nên giờ tôi còn sống đây, còn khả năng làm được gì thì làm thôi” - ông Thơ chia sẻ.

Ông Thơ kể tiếp, năm 1983 ông được phân công làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp nông dân 4, tập trung nghiên cứu xây dựng hồ đập, vận động người dân đi vào ổn định sản xuất, nâng cao năng suất nông nghiệp. Thời điểm này, hợp tác xã đã giúp người dân cập nhật kiến thức nông nghiệp mới, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển sản xuất ổn định sau khi có được hệ thống hồ đập tưới tiêu. Sau khi xã Tam Dân chia tách, ông Thơ được tín nhiệm làm Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Đảng ủy xã. Ở cương vị nào ông cũng được người dân tin yêu bởi sự gần gũi, ân cần và hết lòng vì nhân dân. Khi vết thương cũ liên tục tái phát, sức khỏe yếu ông phải xin nghỉ việc để đi điều trị bệnh, nhưng khi về địa phương ông lại được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Tam Dân cho đến năm 2005 thì nghỉ hưu. Về nghỉ nhưng không ngơi, ông Thơ tiên phong làm mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt, đào ao thả cá, vận động người dân trong thôn đến học hỏi và làm theo.

Đến khi nuôi 4 người con ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định, ông Thơ dành thời gian tìm gặp những người đồng đội cũ còn sống, gom góp tiền của cùng nhau đi thăm lại vùng chiến khu xưa. Đến đây, những cựu chiến binh của ít lòng nhiều, tặng quà hỗ trợ người dân vùng chiến khu còn khó khăn, những người mà năm xưa đã ngày đêm nuôi giấu bộ đội, ủng hộ cách mạng. Có những trường hợp là người có công nhưng không biết cách làm hồ sơ để được xét duyệt, nên những cựu chiến binh như ông Thơ tận tình hướng dẫn làm thủ tục. Ông còn cùng các cựu chiến binh đến thăm, động viên những gia đình đồng đội đã ngã xuống cho độc lập của quê hương, thắp nén nhang tưởng nhớ. “Dù ít dù nhiều, trong tâm tôi vẫn mong còn sức thì còn làm những việc như vậy. Tuổi già, làm được chút việc còn trăn trở để thấy tâm mình thanh thản” - ông Thơ tâm sự.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ