Bẻ nạng… chống mình
Mọi ý định khắc chế thiên nhiên luôn được cho là kiểu “bẻ nạng chống trời”, hàm ý làm một việc quá sức mình, không mang lại hiệu quả. Giờ đây, với kinh nghiệm ứng phó đúc kết đã bao đời, cộng với phương tiện kỹ thuật thời hiện đại, người dân vùng thiên tai có thể “né” các cơn cuồng nộ của trời đất. Khó đếm hết các cuộc đại di dời dân ngay trong đêm mưa gió đã diễn ra trên dải đất hình chữ S này.
Nghĩa là vẫn có cách để “bẻ nạng” để chống, vẫn sống chung được với thiên tai, hay nói cách khác: Trong chừng mực nào đó, con người vẫn có thể “chống” được trời. Nhưng vấn đề đặt ra là chính con người đôi khi lại… không tự chống được mình.
Ý nghĩ này nảy sinh khi đọc những con số thiệt hại đến đau lòng từ cơn bão số 3 kèm mưa lũ ở miền núi phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ, do báo chí đăng tải hôm qua. Ít nhất 24 người chết, 16 người mất tích sau đợt bão lũ đã được cảnh báo sớm.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng qua quan sát, chúng ta nhận ra thiên tai thường gây thiệt hại nghiêm trọng hơn ở các vùng ít xảy ra bão lũ (miền Bắc, miền Nam) so với dải đất miền Trung. Thực tế này có điểm xuất phát từ ý thức chủ quan. Không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị tổng kết công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa tổ chức cuối tuần qua (ngày 20.7), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhiều lần đề cập nguy cơ chủ quan đến từ các khâu xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện ứng phó. “Phải chống mọi biểu hiện chủ quan trong nhận thức”, ông chỉ đạo.
Nhớ lại những mùa bão lũ đã qua ở Quảng Nam, nước dâng nhà sập núi đè từ đồng bằng lên núi cao, lúc ấy sinh mạng con người quá mong manh. Rất may, các kịch bản ứng phó ngày càng chủ động hơn, giúp giảm thiểu mất mát về nhân mạng và tài lực. Đây là lúc kinh nghiệm dân gian lên tiếng, và tiếp tục bổ khuyết. Từ mấy trăm năm trước, cư dân phố cổ Hội An đã biết chọn gỗ thuộc nhóm 1 để chống chịu ngập lụt ở túi lũ Thu Bồn; nay lãnh đạo địa phương càng biết cách từ chối “tour mạo hiểm” chèo thuyền du ngoạn phố vào mùa đông. Ở vùng trũng thấp Vu Gia - Thu Bồn, người xưa từng chủ động làm chỗ thông gió hai bên đầu hồi theo hình tam giác (mát mùa hè, thoát hiểm mùa đông); nhưng khi lũ chồng lũ vì thủy điện, người ta liền tính thêm chuyện bắc loa thông báo, nhắn tin SMS, vẽ bản đồ ngập lụt…
Phía trước là cả một mùa dông bão đang rình rập. Hậu quả đau lòng mà đồng bào phía Bắc đang hứng chịu bởi cơn bão số 3 càng nhắc nhở các vùng thường xuyên chống chịu thiên tai phải cảnh giác cao độ. Phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai, nói một cách dân dã, là ta tự tìm cứu lấy mình. Trước khi nghĩ cách “bẻ nạng chống trời”, ít ra con người phải tự “chống” thói chủ quan của mình.
C.B.L