Cẩn trọng với đái tháo đường thai kỳ

CHÂU NỮ 23/07/2018 15:27

(QNO) - Tại Quảng Nam, đã có trường hợp thai chết lưu vì thai phụ bị bệnh lý đái đường (ĐTĐ) thai kỳ nhưng không được phát hiện sớm. Bệnh ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi nhưng có thể phòng ngừa...

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh tư vấn về bệnh lý đái tháo đường thai kỳ. Ảnh: C.N
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh tư vấn về bệnh lý ĐTĐ thai kỳ. Ảnh: C.N

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thông tin, ĐTĐ thai kỳ là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong thai kỳ và tỷ lệ ĐTĐ thai kỳ gia tăng qua từng năm; tần suất mắc bệnh dao động trong khoảng 4-20% phụ nữ mang thai, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Thừa cân, béo phì, mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi), gia đình và thai phụ có tiền sử ĐTĐ... là những yếu tố nguy cơ gây ĐTĐ thai kỳ. Lớp học tiền sản về ĐTĐ thai kỳ do Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tổ chức chiều qua (22.7) thu hút khá đông phụ nữ mang thai và người thân của họ tham gia.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ĐTĐ thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. ĐTĐ thai kỳ là bệnh lý thường gặp, gây biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, cả cho trẻ sơ sinh và trẻ khi lớn lên.

Ở mẹ, đó là sẽ tăng tỷ lệ sinh mổ do thai lớn (nhưng không khỏe); dễ xảy ra biến chứng sản khoa do tăng tỷ lệ băng huyết sau sinh, tăng huyết áp, tiền sản giật và sản giật...

Đối với thai nhi, ĐTĐ thai kỳ có thể gây chứng khổng lồ, tăng nguy cơ sang chấn khi sinh như ngạt, thai chết lưu, đẻ non. Khi sinh ra, trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp, vàng da, hạ glucose máu. Khi lớn lên, trẻ có thể bị béo phì, bị bệnh ĐTĐ typ 2.

“Chính vì vậy, chẩn đoán sớm ĐTĐ thai kỳ ở thai phụ để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng cho cả mẹ và con là rất quan trọng và cần thiết” - bác sĩ Kiều Trinh khuyến cáo.

Tập luyện nhẹ nhàng phù hợp với những người bị đái tháo đường thai kỳ (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: C.N
Tập luyện nhẹ nhàng phù hợp với những người bị ĐTĐ thai kỳ (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: C.N

Để phòng ngừa ĐTĐ thai kỳ, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh tư vấn, những thai phụ có yếu tố nguy cơ cao cần được tầm soát bệnh ĐTĐ thai kỳ ngay từ lần khám thai đầu tiên, những thai phụ chưa được chẩn đoán ĐTĐ trước đó cần được tầm soát ĐTĐ thai kỳ từ tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ.

Những bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ cần đươc kiểm soát đường huyết thường xuyên cũng như theo dõi thường xuyên sự phát triển của thai nhi.

Theo bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc - Phó Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, dinh dưỡng và tập luyện có vai trò quan trọng đối với thai phụ bị ĐTĐ. Chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể kiểm soát tốt đường huyết và không cần dùng thuốc; hoặc có thể giảm liều thuốc đang sử dụng hoặc giảm các biến chứng do bệnh gây ra. Chế độ tập luyện phù hợp cho người ĐTĐ thai kỳ là những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội; giảm các bài tập có sự va chạm.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ