Du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên: Nỗ lực hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Hội thảo quốc tế “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Đà Nẵng đã tập trung thảo luận vấn đề phát triển du lịch ở các vườn quốc gia (VQG) và khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN).
Hoạt động thả rùa con trở về biển góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T |
Chưa có du lịch sinh thái đúng nghĩa
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên được xem là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Trong thập kỷ qua, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đang diễn ra mạnh mẽ từ đó gây tác động không nhỏ đến việc lưu trữ, bảo tồn các giá trị thiên nhiên độc đáo, sinh cảnh sống và nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Vì vậy, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo địa phương… đã ngồi lại tại hội thảo lần này để xác định những giải pháp nhằm cố gắng cân đối việc phát triển du lịch tại các VQG, khu BTTN mà không làm suy giảm đi các giá trị cốt lõi ở những nơi này. Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Lanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội VQG và Khu BTTN Việt Nam cho rằng: “Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng có rất nhiều cơ hội rất lớn để phát triển du lịch sinh thái đơn cử các tour xem chim, thú, rùa đẻ… Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là hầu hết các nơi đều làm một cách tự phát mà chưa có đề án quy hoạch rõ ràng”.
Miền Trung - Tây Nguyên hiện có 59 trong tổng số 88 VQG, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng khu bảo vệ cảnh quan. Trong đó có nhiều hệ sinh thái tự nhiên quan trọng như VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG Kon Ka Kinh… Ngoài ra, tại khu vực còn có nhiều hệ sinh thái có tầm quan trọng cả về hệ sinh thái trên cạn, dưới nước như Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Khu Dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và nhiều hệ sinh thái quan trọng khác như Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, VQG Bạch Mã… Đặc biệt, hệ sinh thái Trung Trường Sơn được WWF đánh giá là một trong 200 hệ sinh thái tiêu biểu toàn cầu. |
Theo báo cáo kiểm tra hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG, khu BTTN của Tổng cục Lâm nghiệp (2017), trong số 167 khu rừng đặc dụng hiện tồn, có 61 khu đã tổ chức kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái (25 VQG và 36 khu BTTN) trong đó có tới 56 khu (chiếm 92%) tự tổ chức kinh doanh du lịch, có một số khu có liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái. Số liệu thống kê chỉ ra rằng, các VQG, khu BTTN trong năm 2016 đã đón hơn 2 triệu lượt khách nhưng tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch mới chỉ đạt khiêm tốn khoảng 114 tỷ đồng. Điều này cho thấy các sản phẩm du lịch sinh thái phục vụ du khách còn nghèo nàn, sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương còn rất hạn chế chưa kể các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học tại các VQG, khu BTTN.
Đi tìm giải pháp
Xác định tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái tại các VQG, khu BTTN ở miền Trung là rất dồi dào tuy nhiên các đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ ra nhiều vấn đề nan giải trong vấn đề này. Theo TS. Nguyễn Quốc Dựng - Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NN&PTNT): “Lấy ví dụ cụ thể như ở bán đảo Sơn Trà hiện nay mâu thuẫn cạnh tranh không gian bảo tồn và không gian phát triển du lịch là mấu chốt khiến xảy ra những ý kiến trái chiều”. Còn với ông Huỳnh Văn Kéo - Chủ tịch Hội KH-KT lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc tổ chức du lịch sinh thái không đúng cách thậm chí có thể làm mất đi bản năng sinh tồn của động vật bên cạnh đó và có nguy cơ khi thực vật ngoại lai xâm lấn. Ông Kéo cũng đưa ra khuyến nghị với du khách khi tham gia các chuyến du lịch sinh thái tại các VQG, khu BTTN, không lấy gì chỉ lấy những bức ảnh đẹp, không để lại gì ngoài những dấu chân.
Dự hội thảo, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam cho rằng, thiên nhiên ưu đãi tiềm năng lớn cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong việc phát triển du lịch nhưng cùng với đó là hàng loạt thách thức. Cũng theo ông Lê Trí Thanh, bảo tồn cần đi kèm với phát triển một cách bài bản theo hướng tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển, từ thượng nguồn xuống hạ du và cần tư duy liên vùng chứ không phân biệt ranh giới hành chính. Các đại biểu cũng thống nhất rằng, để phát triển du lịch sinh thái tại các VQG, khu BTTN cần xác định rõ vùng lõi, vùng đệm, vùng nào cho phép khai thác hay vùng nào cần bảo vệ nghiêm ngặt nếu không khái niệm du lịch sinh thái không những bị chệch hướng mà còn bị lợi dụng để phát triển tràn lan.
Là một trong những đơn vị được chọn thuyết trình tại hội thảo, đại diện Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý giá về việc bảo tồn, phát triển nhất là từ khi Cù Lao chàm trở thành Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (2009). TS. Chu Mạnh Trinh cho rằng, công tác bảo tồn đem nhiều nguồn lợi quý giá nên có thể xem nó như là một ngành “kinh tế bảo tồn”. Từ năm 2017, với nhiều nỗ lực đơn vị đã tự chủ tài chính và có đóng góp cho ngân sách. Hàng năm, với nguồn thu từ du lịch, đơn vị đã có thể trích kinh phí để thực hiện ứng dụng đề tài, những công trình khoa học bên cạnh đó là chia sẻ, hài hòa lợi ích của các bên có tham gia vào việc bảo tồn, phát triển Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
QUỐC TUẤN