Quản lý chặt vũ khí, vật liệu nổ
Vũ khí, vật liệu nổ trôi nổi, chưa kể đến việc “hàng nóng” nằm trong tay tội phạm đang là nguy cơ đe dọa trật tự an toàn xã hội và an toàn của người dân. Lực lượng Công an tỉnh đã và đang siết chặt công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Vũ khí, súng tự chế trôi nổi được Công an tỉnh thu hồi, xử lý. Ảnh: XUÂN MAI |
Vũ khí, vật liệu nổ luôn là mối nguy hại khôn lường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Do nhận thức chưa đầy đủ hay vì lợi ích kinh tế, nhiều trường hợp người dân không chủ động thông tin, giao nộp cho cơ quan chức năng vũ khí, vật liệu nổ. Thậm chí, vũ khí, vật liệu nổ đã và đang là mặt hàng có thể kinh doanh, sinh lời... Trên địa bàn tỉnh, tình trạng mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vẫn còn diễn ra, nhất là các loại súng tự chế để săn bắn. Một số cá nhân còn đào bới, tìm kiếm, mua bán các loại phế phẩm là vũ khí, bom mìn trôi nổi rất nguy hiểm. Từ năm 2012 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra truy tố 15 vụ, 45 bị can, xử phạt hành chính 26 tổ chức liên quan đến mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trên địa bàn cũng đã xảy ra 61 vụ việc có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Có thể nói, đây thực sự là hiểm họa ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Thượng tá Trương Công Thái - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp là do các loại vũ khí, bom mìn vẫn còn sót lại sau chiến tranh khá nhiều. Trong khi đó người dân không ý thức được tác hại nên vẫn đào bới, tìm kiếm các phế liệu, phế phẩm này để lấy thuốc nổ sử dụng hoặc mua bán. Đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi vẫn sử dụng các loại súng tự chế để săn bắn. Việc tạo súng tự chế khá đơn giản và dễ thực hiện, chi phí thấp nên người dân tự chế để dùng. Ngoài ra trên địa bàn còn nhiều công trình xây dựng, thủy điện trong quá trình thi công cần sử dụng một số lượng lớn thuốc nổ, tuy nhiên công tác quản lý của các đơn vị này còn nhiều sơ hở dẫn đến tình trạng mất cắp vật liệu nổ, rất nguy hiểm.
Để ngăn ngừa hiểm họa từ vũ khí, vật liệu nổ trôi nổi, thời gian qua, Công an tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các biện pháp siết chặt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ trên toàn địa bàn. Trong đó, công tác tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ được quan tâm chú trọng. Đối với các địa phương miền núi, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lực lượng công an phối hợp với chính quyền cơ sở tích cực vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau cũng như thông qua già làng, người có uy tín trong đồng bào nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về tác hại của vũ khí, vật liệu nổ, từ đó tự nguyện giao nộp cho cơ quan nhà nước. Già làng Kơlâu Nhím, thôn G’Húc, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang nói: “Được công an tuyên truyền, chúng tôi thấy được tác hại của súng, vật liệu nổ nên vận động đồng bào mình giao nộp súng cho chính quyền, công an”. Tính từ năm 2012 đến nay, các lực lượng đã vận động nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh tự giác giao nộp 507 vũ khí quân dụng, 2.531 súng tự chế, 586kg thuốc nổ, hàng nghìn vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thu hồi, xử lý vật liệu nổ công cụ hỗ trợ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan cũng được triển khai quyết liệt. Công tác kiểm tra, liên quan đến việc trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong các cơ quan, doanh nghiệp và hoạt động cấp đổi, cấp mới giấy phép liên quan cũng được chú trọng thực hiện. Qua đó nhằm đảm bảo tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thượng tá Trương Công Thái cho biết Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018, lực lượng công an sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm chủ động ngăn ngừa tác hại cũng như chủ động phát hiện những hành vi vi phạm trên lĩnh vực này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
XUÂN MAI