Ăn trầu ở phố
Sau bao nhiêu lần vận động với đủ các hình thức từ tỉ tê năn nỉ đến “dọa dẫm” chuyện ốm đau đột xuất để mẹ ra thành phố ở với con đặng dễ bề chăm sóc, mẹ anh vẫn kiên quyết bám trụ với làng. Hồi cha anh còn sống, việc hai cụ “bám làng” là điều dễ hiểu. Nhưng giờ ông khuất núi cũng đã lâu rồi, bà lại ở một mình vào ra lẻ bóng trong ngôi nhà cũ, thế mà mẹ anh vẫn quyết ở lại đến cùng. Lý do thật đơn giản: ở quê ăn trầu cho... sướng!
Có lẽ mẹ anh là người cuối cùng còn gắn bó với một loại “thức ăn” không mấy dễ chịu này. Tuổi tám mươi, thứ gì cũng ngán hết, duy chỉ miếng trầu là vẫn ngon miệng, lạ thế! Mẹ anh đã không dưới một lần nói về việc nghiện trầu của bà. “Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng”. Câu này có thể đúng với nhiều người nhưng với mẹ anh thì không. Trâu bà cũng từng có cả đàn, ruộng bà cũng đã từng thuộc hạng trung nông của làng. Tất cả gia sản mà ông bà có được là từ mồ hôi nước mắt của hai cụ chứ chả kế thừa của tổ tiên một thước đất nào. Thế thì bắt bà cai trầu làm gì cơ chứ? Bà đã “lý sự” như vậy mỗi khi các con khuyên bà bỏ trầu. Không phải để “giữ gìn sức khỏe cho mẹ” mà là để khỏi phiền phức khi đưa mẹ ra phố sống với con.
Ở quê có cái sướng của quê mà người thành phố không thể hình dung được. Ăn trầu là một ví dụ. Nhai chán thì nhổ thẳng ra đất, chả ý tứ kiêng dè gì. Chỉ thả mấy dây trầu lên vài cây cau trong vườn là mẹ anh có thể ăn trầu quanh năm. Mấy chục cây cau luôn sai quả, những búi trầu sum sê xanh mướt quanh năm không chỉ cung cấp đủ cho mẹ anh mà còn “bao” miễn phí cho các cụ bà hàng xóm. Họ trò chuyện rôm rả mỗi buổi mai, thầm thì bao chuyện “bí hiểm” mỗi chiều bên cơi trầu, dưới gốc mận già trăm tuổi. Ấy thế mà bây giờ, cụ phải xa cái làng quê gắn bó cả đời mình với bao vui buồn sướng khổ ấy để ra phố sống với con. “Khi nào nhớ trầu, nhớ chúng tôi thì bà lại về nhé, chúng tôi luôn đợi bà đấy” - những bà bạn già tiễn mẹ anh bằng câu nhắn gửi như cố níu chút hy vọng để bà đổi ý ở lại với họ. Nhưng lần này thì bà “quyết tâm” ra phố, chỉ vì thương con lặn lội đường xa mỗi tuần về “chăm” mẹ ở quê.
Ở đúng một tuần, mẹ anh “đề đạt nguyện vọng” là muốn về lại quê. Anh nói: “Con có cấm mẹ ăn trầu đâu. Miễn mẹ nhổ trầu vào đúng cái bô thôi mà!”. Nhổ trúng vào bô thế nào được kia chứ? Cũng chỉ được vài lần rồi thì theo thói quen, cứ nhổ thẳng ra đất, mà “đất” ở đây là sàn nhà bóng loáng. Lỡ một vài lần chứ lỡ mãi như thế, bản thân bà trực tiếp lau chùi nhà cũng đã phiền rồi, nói gì đến con dâu phải lau dọn cho mẹ.
Về quê để được ăn trầu! Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là cái cớ để bà thoát khỏi cảnh ngột ngạt, chen chúc nơi phố thị ồn ào này thôi. Thì ra, để thay đổi một thói quen nào phải dễ dàng gì, nhất là thói quen ấy lại gắn với một thời cơ cực trong đời mỗi người.
Thế là anh con trai lại chuẩn bị đưa mẹ về lại quê. Anh biết ở nơi ấy, những lá trầu xanh cùng những quả cau tươi non mỗi sớm mai đang đợi mẹ. “Cực nữa rồi đây, nhưng chấp nhận thôi”, anh tự động viên mình.
TRẦN ĐĂNG