Quảng Nam tỉnh phú, một tư liệu quý
Hiện nay ở Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) còn lưu trữ một tài liệu quý viết tay bằng chữ Hán về địa chí tỉnh Quảng Nam, dày 40 trang khổ 25,5 x 13cm, có mã số A: 3121, MF: 1418. Đó là Quảng Nam tỉnh phú của TS.Trần Đình Phong (1847 - 1920).
Trần Đình Phong – tác giả Quảng Nam tỉnh phú. |
Bài phú về Quảng Nam
Phú là thể văn chương cổ của Trung Hoa trước đây có ảnh hưởng đến một giai đoạn văn học nước ta, được các vua chúa phong kiến dùng trong khoa cử, là một bài thi bắt buộc trong các kỳ thi Hương và thi Hội (ở trường ba - tam trường). Một bài phú không quy định số câu, số chữ; dài bao nhiêu cũng được nhưng phải đảm bảo hai yếu tố chính là vần và đối. Loại phú phổ biến ở nước ta là Đường phú (có từ thời nhà Đường). Loại này có nhiều thể như phú tứ tự (câu có 4 chữ), phú thất tự (câu có 7 chữ), phú Sở từ (câu có 5 - 6 chữ) hoặc phú lưu thủy (không hạn chế số chữ). Về vận thì một bài phú có thể áp dụng một trong ba loại vận sau: độc vận (cả bài chỉ theo một vận), hạn vận (mỗi đoạn của bài phú dùng một vần riêng), phóng vận (vần có thể thay đổi, không cần ăn khớp với mỗi đoạn của bài phú). Một bài phú thường có 5 phần: lung (mở đầu bài), biện nguyên (chủ đề), thích thực (nêu ý nghĩa), phu diễn (tán rộng ý), nghị luận (tổng kết).
Quảng Nam tỉnh phú là một bài Đường phú dài 118 câu, 1.904 chữ, theo thể lưu thủy (câu 14 hoặc 16 chữ) và phóng vận, điểm đặc biệt là lấy chữ đầu tên các phủ, huyện của Quảng Nam làm vận: Điện (Điện Bàn), Diên (Diên Khánh), Duy (Duy Xuyên), Hòa (Hòa Vang), Thăng (Thăng Bình), Lễ (Lễ Dương), Quế (Quế Sơn), Đông (Hà Đông). Nội dung chính của bài phú là một bản tóm tắt về địa chí của tỉnh Quảng Nam: “Nói sự thật về các thay đổi xưa nay về địa giới, lịch sử, núi sông, nhân vật, nghề nghiệp, sản phẩm, danh lam thắng tích trong tỉnh”. Điều này được tác giả xác định trong mấy câu mở đầu: “Lấy các chữ Điện, Diên, Duy, Hòa, Thăng, Lễ, Quế, Đông làm vận. Chỉ nằm trong việc mô tả nội dung địa giới, tứ cận, núi sông, nhân vật, cách làm ăn, sản vật và danh lam thắng tích từng có xưa nay ở Quảng Nam”. (Bản dịch của Hồ Ngận).
Tác giả bài phú là Trần Đình Phong, một tiến sĩ Hán học người Nghệ An, từng làm Đốc học Quảng Nam từ 1893 - 1905. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thì bài phú được soạn trong khoảng thời gian từ sau năm 1892 đến trước năm 1898 vì trong bài phú có nhắc đến một số nhà khoa bảng đỗ khoa Nhâm Thìn (1892) nhưng lại không nhắc đến sự kiện Ngũ phụng tề phi (1898). Sau này nhiều nhà nghiên cứu lại khẳng định ít nhất là phải sau năm 1895 vì “mới chân ướt chân ráo vào Quảng Nam thì tác giả không thể nắm được một số kiến thức cụ thể và đa dạng đến như thế”.
Trong “Quảng Nam tỉnh phú” Trần Đình Phong ngợi khen đất Quảng là nơi có “non cao thủy thanh”, nhiều thắng cảnh, có truyền thống hiếu học, nhiều nhân tài, nhiều bậc anh hào nghĩa sĩ:
“Trải xem non cao thủy thanh, thấy rõ hàng châu danh thắng.
Mới biết địa linh nhân kiệt nảy sinh anh tuấn khác thường.
Nam cung ứng tuyển, nhạn tháp đề danh
Xuân thí khôi khoa, vân trình thẳng bước….
(Hồ Ngận, Quảng Nam Xưa & Nay, Nxb Thanh Niên, tr. 454).
Nhà nghiên cứu Châu Yến Loan cho rằng: “Bài phú đã thể hiện tri thức uyên thâm, tài quan sát tinh tế và bao trùm lên tất cả là tình cảm thắm thiết của Trần Đình Phong đối với vùng đất ông gọi là “Địa linh nhân kiệt” (Tạp chí Non Nước số 184, tháng 4.2013), và cũng là nơi ông đang công tác trên cương vị một nhà quản lý giáo dục (Đốc học) với rất nhiều học trò mà ông quý mến (cả về tài năng và nhân cách).
Quảng Nam tỉnh phú là một áng văn hay về mặt văn chương và một tư liệu quý để phục vụ cho việc nghiên cứu.
Hồ Ngận – người dịch Quảng Nam tỉnh phú. |
Sau này bài phú đã được Hồ Ngận, một cử nhân Hán học người Quảng dịch ra Quốc ngữ có thêm phần chú giải. Theo các nhà nghiên cứu thì khi dịch Hồ Ngận đã có “thêm bớt đôi chỗ ở phần tiểu chú, nên so với nguyên văn có đôi chỗ hơi khác”. Bản dịch được phổ biến hiện nay dài 118 câu, 1.457 chữ với 34 chú giải dài 939 từ. Bản gốc bằng Hán văn ít được phổ biến nhưng bản dịch thì có thể tra cứu ở nhiều nơi. Trong tác phẩm Quảng Nam Xưa & Nay, tác giả Hồ Ngận có in đầy đủ bản phiên âm và bản dịch của mình.
Một nhà nghiên cứu cho biết bản dịch của Hồ Ngận rất xuất sắc nhưng trong bản phiên âm của ông việc phân câu có chỗ chưa chuẩn cũng như một số từ chưa thật sự chính xác do những hạn chế trong cách viết Quốc ngữ của các nhà nho ngày trước, cũng có thể do lỗi kỹ thuật từ nhà xuất bản. Có lẽ nên tham khảo bản phiên âm và bản dịch cũng như những chú giải trong sách Quảng Nam Đất nước và nhân vật của Nguyễn Q. Thắng (Nxb VHTT, năm 2001), chuẩn và rõ hơn.
Tác giả và dịch giả
Tác giả Trần Đình Phong hiệu là Mã Sơn, sinh năm 1843 tại thôn Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Thái Trạch, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1868 ông thi đỗ tú tài nhưng mãi đến năm 1876 mới đỗ cử nhân và 1879 đỗ tiến sĩ. Ông từng trải qua các chức vụ Hàn lâm Sơ phụ (phụ trách biên tu lịch lý các quan), năm 1879, tri phủ Kiến An, kiêm lý huyện Bình Giang năm 1881-1885 (Hải Dương), Đốc học Quảng Nam 1893-1905, Tế tửu Quốc tử giám 1905-1908, Biên tu Quốc sử quán (1909-1919). Trần Đình Phong là tác giả của Quốc triều chánh biên toát yếu, Trần tộc thế phả (gia phả của tộc Trần), Quỳ Trạch Đăng khoa lục, Thanh Khê xã chí.
Thời Trần Đình Phong làm Đốc học là thời “hoàng kim” của khoa cử. Quảng Nam trong 12 năm này có thêm có thêm 5/15 tiến sĩ (33%), 7/24 phó bảng (29,2%) và 42/254 cử nhân (16,5%) với nhiều thành tích nổi tiếng như khoa thi Ngũ phụng tề phi (khoa thi năm 1898 với 3 tiến sĩ và hai phó bảng), khoa thi Hương năm Canh Tý, 1900 (Quảng Nam có 14/42 người đỗ và chiếm 4 vị trí đầu bảng), khoa thi Hội năm 1901 với danh hiệu tứ tuyệt (có 4 phó bảng), khoa thi Hội năm 1904 với hai người đỗ đầu (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp). Không những thế, nhiều học trò của ông đã dấn thân vì nước trở thành những nhà cách mạng nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện…
Ông mất khi đang tại chức ở Huế vào năm 1920, thọ 73 tuổi.
Còn dịch giả Hồ Ngận sinh năm 1894 tại xã Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên (nay là xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) trong một gia đình khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam. Ông là cháu của phó bảng Hồ Hằng Tánh, con trai của Thượng thư Hồ Lệ (1849 - 1905) và là em của cử nhân Hồ Mậu. Hồ Ngận đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918), khoa thi Hương cuối cùng của Nho học triều Nguyễn. Ông mất năm 1982 tại Hội An, thọ 88 tuổi.
LÊ THÍ