Thơ lái Quảng Nam
Nói đến dân Quảng Nam, bên cạnh cái “đặc sản vật chất” là cơm gà, mỳ Quảng, người ta thường nói cái “đặc sản phi vật chất” là cá tính ương bướng hay cãi, và đặc biệt là lối nói lái đầy tinh quái.
Hình như người Quảng nào cũng đều rất nhạy cảm với nói lái và đều có khả năng nói lái. Thiệt lạ! Trong câu chuyện giữa bè bạn thân, nhất là lúc uống rượu sương sương, hễ có lời nào có âm tương đồng với những “vùng nhạy cảm” trên thân thể hoặc những “hành vi nhạy cảm” thì thế nào cũng bị kèm theo những chữ khác để biến thành từ lái. Chỉ để vui. Nói lái kiểu hai âm tiết là bình thường, dân cao thủ còn có thể nói lại đến ba, bốn hoặc năm âm tiết.
Nhưng phải đến thơ lái mới thiệt là “đặc sản phi vật chất” của dân Quảng! Không cần đến những cây đa, cây đề trong làng thơ, người bình dân xứ Quảng vẫn khoái làm thơ nói lái. Có một lần tôi được nghe hai câu thơ mà “tương tuyền” là của một ông thợ hớt tóc góa vợ, có quan hệ tình cảm với một góa phụ hàng xóm. Cả hai đều qua cái tuổi “tri thiên mệnh”. Điều đó thì quá bình thường, nhưng hai câu thơ ông tự “vịnh” về mối quan hệ của mình mới thực sự đáng ghi nhận vào hàng... kinh điển!
Yêu em từ độ méo trời
Khi nào méo đất mới rời em ra(!)
Yêu từ thuở “méo trời” thì dĩ nhiên người góa phụ đó cũng phải khá mặn mà. Yêu người ta, ân ái mặn nồng mà lại đòi bỏ người ta khi “méo đất” thì hơi nhẫn tâm. Nhưng phải công nhận là cách dùng từ quá tinh quái và thông minh. Chuyện hòa hợp âm dương lại có đủ cả trời và đất. Toàn là những thứ “thiên kinh địa nghĩa”!
Ở xứ Quảng có nhà thơ Sơn Hồ, nay đã mất, chuyên làm thơ nói lái theo thể Đường luật, đối nhau từng câu từng chữ. Lái ngay trong từng câu mới là hay. Chứ nói lái theo kiểu ngẫu nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương như “Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?” hay “Trái gió cho nên phải lộn lèo” cũng chẳng có chi đáng kể. Tiếc thay rất nhiều bài thơ lái của ông bị thất lạc. Tôi xin ghi lại đây ba bài thơ lái sưu tầm được. Ba bài thơ tài tình ở chỗ hai chữ đầu câu nói lái thành hai chữ cuối câu.
Bài Thôi Đành (thành đôi) nói về tình huống một cô gái lỡ có bầu với một cậu trai, gia đình nhà trai không chịu cưới. Bài thơ hòa giải hai nhà để tác thành cho hai trẻ.
Ai bàn chi chuyện đã an bài,
Trai khiển đồng tình gái triển khai.
Cứ sợ chưa sành thành cớ sự,
Mai than mốt thở lỡ mang thai.
Tính từ ngày tháng vương tình tứ,
Khai ổ rồi đây báo khổ ai.
Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng,
Thôi đành để chúng được thành đôi.
Lời thơ thật sâu sắc và lý thú. Người dân quê Quảng Nam vẫn gọi chuyện sinh đẻ của phụ nữ là “nằm ổ”. Hai câu cuối quả thực vô cùng cảm động và mang nặng tính nhân văn.
Bài Tránh Xa Đi (tránh xi-đa) vịnh về căn bệnh thế kỷ cũng rất lý thú.
Xi-đa sớm biết tránh xa đi,
Khi ngã bệnh rồi hết khả nghi.
Để lộ đau buồn, buồn đổ lệ,
Di truyền chẳng phải, phải diên trì.
Lửng lơ nằm mãi e lưng lở,
Khi đó cho vàng cũng khó đi.
Túng kế bày thêm trò tế cúng,
Đi mời đồng bóng dứt đời mi.
Mang bệnh xi-đa mà đến giai đoạn quẫn bách phải đi mời đồng bóng về cúng tế thì coi như xong đời.
Bài Nương Trồng tả cảnh lao động ở nông trường thời bao cấp, tuy không xuất sắc như bài Thành Đôi, nhưng cũng mang nhiều ý vị.
Nông trường khai thác rẫy nương trồng,
Công khó thì nhiều, biết có không?
Nuốt sắn chờ qua cơn nắng suốt,
Mông dưa chớ gặp lắm mưa giông.
Nắng sương lận đận cùng nương sắn,
Cồng đánh xôn xao khắp cánh đồng.
Có đội, có đoàn vin cội đó,
Đồng ơi mi sớm cứu đời ông.
Ai đã từng trải qua cảnh lao động tập thể theo công điểm ở nông trường thời bao cấp, lao động cực nhọc mà không hiệu quả bao nhiêu, đọc bài thơ này ắt sẽ có nhiều cảm khái!
Trên cái “văn đàn thơ lái dân gian Quảng Nôm” có lẽ cũng còn nhiều bài thơ lái, nếu sưu tầm được ắt cũng có nhiều điều thú vị!
LIÊU HÂN