Dấu ấn trên hành trình mới
Tròn 15 năm sau ngày tái lập, huyện Đông Giang đã có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đồng thời là một trong những địa phương miền núi đi đầu trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao.
Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những cách Đông Giang tạo cơ hội để phát triển. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đất nghèo “lột xác”
Trong ký ức của ông Đinh Thái Long - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang những ngày đầu tái lập, bấy giờ gian khó như một rào cản vô hình khiến địa phương gặp nhiều áp lực, với tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Ngay tại trung tâm thị trấn P’rao thời đó cũng chỉ có những dãy nhà xập xệ, heo hút. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua Đông Giang mới được đầu tư xây dựng, chưa thể kéo theo sự thay đổi diện mạo chung của trung tâm huyện. Vì thế, bài toán về giảm nghèo, cũng như đầu tư mở rộng hạ tầng, đẩy mạnh dịch vụ thương mại… luôn là những thách thức lớn, buộc chính quyền địa phương phải thay đổi hướng đi phù hợp. “Hồi đó, chúng tôi quyết tâm phải đầu tư mở rộng hạ tầng, nhất là đường sá, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và các dịch vụ khác để gỡ dần thế khó. Bên cạnh huy động nguồn lực thu hút đầu tư, chúng tôi cũng tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và các địa phương kết nghĩa để từng bước vực dậy, trở thành “điểm sáng” trong công tác giảm nghèo ở miền núi” - ông Long chia sẻ.
Vượt qua gian khó, Đông Giang khẳng định bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội từ tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng. Ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ, đến nay địa phương đã đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm và hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong toàn huyện, mở ra cơ hội phát triển theo hướng tiềm năng. Ngoài hình thành cụm công nghiệp với diện tích 7,2ha, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với vốn đăng ký gần 140 tỷ đồng, địa phương còn thu hút đầu tư xây dựng nhà máy gỗ keo tại xã Ba; nhà máy gạch tuynel không nung tại thôn Dốc Kiền (xã Ba), nhà máy gạch tuynel sử dụng đất đồi ALV; cùng dự án sản xuất và chế biến sản phẩm từ quả sim và các dự án trồng rừng gỗ lớn. “Chúng tôi cũng đang kêu gọi đầu tư các điểm, khu du lịch sinh thái mới tại suối khoáng nóng Apăng (xã Sông Kôn), Cổng trời Đông Giang, khu du lịch nghỉ dưỡng lòng hồ A Vương (xã Ma Cooih) và hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như chuối mốc, ớt ariêu, chè dây razéh…” - ông Hươm nói.
Kỳ vọng ở tương lai
Huyện Đông Giang được thành lập ngày 10.3.1963, trên cơ sở giải thể huyện Thống Nhất. Năm 1974, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ra nghị quyết hợp nhất huyện Đông Giang và Tây Giang thành huyện Đông Tây Giang, sau được gọi là huyện Hiên. Đến ngày 17.7.2003, huyện Hiên lại được chia tách thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang như hiện nay. Trong 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Đông Giang đạt 16,34%/năm; tổng mức đầu tư hơn 13.294 tỷ đồng. So với năm 2013, quy mô nền kinh tế của địa phương năm 2017 tăng 7,55 lần; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 11,4 lần (năm 2017 đạt hơn 681 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 36,94%, thu nhập bình quân đầu người đạt 19,12 triệu đồng. Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Đông Giang đã đánh thắng hơn 900 trận lớn nhỏ; đóng góp hơn 230.000 ngày công tải đạn, tải thương, cùng hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ, bộ đội. Huyện Đông Giang và 5 trong số 11 xã trên địa bàn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... |
Nằm ở “cửa ngõ” phía tây nam của TP.Đà Nẵng, lại kết nối với địa bàn các huyện miền núi Nam Giang và Tây Giang theo trục đường Hồ Chí Minh, Đông Giang được xem có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên vùng giao thương. Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, nắm bắt cơ hội từ điều kiện kết nối liên vùng, những năm qua Đông Giang đã chủ động mở rộng đầu tư phát triển kinh tế đa chiều, với nhiều dự án mang lại hiệu quả nổi bật. Những lợi thế này hoàn toàn phù hợp theo tiến trình hội nhập, đảm bảo nhu cầu và cơ hội phát triển chung của miền núi.
Bí thư Huyện ủy Đông Giang - Đỗ Tài không giấu được niềm vui khi nhìn lại chặng đường vượt qua gian khó để phát triển của địa phương. Từ điện - đường - trường - trạm, cho đến các thiết chế văn hóa cộng đồng miền núi dần được mở rộng và đầu tư xây dựng, góp nên diện mạo cho Đông Giang trên hành trình đổi mới đầy khởi sắc. Như giáo dục, những ngày đầu tái lập chỉ có 18 trường học với điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ, trang thiết bị thiếu thốn, đến nay hệ thống giáo dục đã đáp ứng nhu cầu dạy và học với hơn 30 trường, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được chú trọng đầu tư.
Các dịch vụ chăm sóc y tế, xây dựng làng bản văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống,… cũng được quan tâm chăm lo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cũng theo ông Đỗ Tài, những gì Đông Giang đạt được là kết quả tất yếu từ việc địa phương luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giữ vững thế trận an ninh - quốc phòng và đặc biệt là phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn. “Định hướng của Đông Giang thời gian tới là tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, gắn với mở rộng xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư, nâng cao nguồn nhân lực và giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý các cấp chính quyền, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Chúng tôi cũng sẽ lồng ghép Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn vùng tây Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2010, định hướng đến năm 2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Đông Giang phát triển hơn nữa” - ông Đỗ Tài nhấn mạnh.
ALĂNG NGƯỚC