Rà soát, thu hồi thuốc chứa chất có thể gây ung thư
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ghi nhận có 23 loại thuốc trên thị trường trong nước chứa thành phần valsartan - một chất có nguy cơ gây ung thư và đã đình chỉ lưu hành. Tại Quảng Nam, Sở Y tế đã có công văn hỏa tốc đến các cơ sở y tế, quầy thuốc tư nhân trên địa bàn để tiến hành thu hồi những loại thuốc này.
Thuốc điều trị tăng huyết áp Valsartan STADA 80mg là một trong số 23 thuốc buộc phải thu hồi theo công văn của Cục Quản lý dược. |
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng thuốc về việc xử lý thuốc chứa dược chất Valsartan. Đây là văn bản thứ hai trong một tuần mà Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở kinh doanh thuốc về việc xử lý liên quan đến hoạt chất này. Trước đó, cục đã ra văn bản đình chỉ 23 loại thuốc được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical, Trung Quốc sản xuất.
Ông Huỳnh Thế Vịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, các loại thuốc có chứa nguyên liệu valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical (Trung Quốc) sản xuất được nhiều công ty sản xuất dược, nhập khẩu y tế trong nước sử dụng. “Trước mắt, chúng tôi đã có công văn hỏa tốc đến các cơ sở y tế, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn để tiến hành kiểm tra có hay không những loại thuốc này rồi báo cáo cụ thể cho sở. Sau khi nhận được báo cáo cụ thể, sở sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Đồng thời tiến hành rà soát lại các danh mục đấu thầu thuốc vừa qua để kiểm soát tốt hơn, đảm bảo không có những loại thuốc này lọt vào” - ông Vịnh cho hay. |
Trong công văn lần này, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các đơn vị ngừng ngay việc sử dụng nguyên liệu này để sản xuất thuốc thành phẩm, thực hiện đánh giá nhà cung cấp, kiểm tra, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu Valsartan của nhà sản xuất mới nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn cho người sử dụng và thực hiện thủ tục thay đổi hồ sơ đăng ký thuốc theo đúng quy định của pháp luật. Các công ty gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý dược trong vòng 1 tháng. Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo việc thu hồi tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn, công bố thông tin việc thu hồi các thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical - Trung Quốc sản xuất trên trang thông tin điện tử của sở. Cục Quản lý dược cũng đề nghị các Sở Y tế tiếp tục thông báo trên trang thông tin điện tử của đơn vị các công văn chỉ đạo của Cục Quản lý dược, đồng thời yêu cầu các Sở Y tế kiểm tra, giám sát các sơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực hiện tốt việc thu hồi, tạm dừng lưu hành và sử dụng các thuốc đã được quy định và xử lý các đơn vị vi phạm... Được biết, thuốc chứa dược chất Valsartan chữa các bệnh liên quan đến tim mạch.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, phía bệnh viện đã nhận được thông báo từ Sở Y tế về sự việc này và đã tiến hành rà soát. “Những loại thuốc này đều không được sử dụng tại bệnh viện. Đối với những mặt hàng thuốc có nguyên liệu hay xuất xứ từ Trung Quốc sản xuất, chúng tôi đều rất hạn chế sử dụng” - bác sĩ Ngọc cho biết. Bác sĩ Phạm Ngọc Hòa Bình - Giám đốc Bệnh viện Minh Thiện cho biết, do bệnh viện mua thuốc theo gói thầu của Sở Y tế nên những loại thuốc này không có do không nằm trong danh mục chỉ định thầu. Tương tự, ở một số bệnh viện tuyến công lập như: Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam hay Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương Tam Kỳ, Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đều cho biết, không sử dụng loại thuốc này.
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi cũng đã đến các quầy thuốc trên địa bàn để hỏi mua những loại thuốc trong 23 loại thuốc bị thu hồi thì đều nhận được cái lắc đầu. Tại nhà thuốc M.A, đường Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ, người bán thuốc cho biết, cách đây chừng 4 - 5 năm, quầy có lấy loại thuốc điều trị tăng huyết áp Valsartan STADA 80mg nhưng đến nay thì hoàn toàn không nhập những loại thuốc có chứa thành phần này.
NGUYỄN DƯƠNG