Vì an sinh xã hội
(QNO) - Mục đích an sinh xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam (Ngân hàng CSXH Quảng Nam) và các phòng giao dịch tại 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn triển khai tốt trong 6 tháng đầu năm thông qua hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đánh giá cao hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 6 tháng qua. Ảnh: QUANG LINH |
Ủy thác tốt
Thông qua các hội, đoàn thể, dư nợ ủy thác cho vay của Ngân hàng CSXH Quảng Nam và các phòng giao dịch đạt hơn 4.167 tỷ đồng, chiếm đến 99,87% tổng dư nợ trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, dư nợ ủy thác cho vay qua Hội Phụ nữ chiếm 41,2%, qua Hội Nông dân 33,36%, qua Hội Cựu chiến binh 13,39%, qua Tỉnh đoàn 12,05%.
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trong 6 tháng qua, hội đã phối hợp chặt chẽ với với Ngân hàng CSXH Quảng Nam tổ chức giải ngân nhanh nguồn vốn được phẩn bổ, tăng cường tuyên truyền tổ viên gửi tiết kiệm cũng như đôn đốc thu hồi nợ, lãi. Hội Nông dân không có Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu, cá biệt chỉ có 2 tổ xếp loại trung bình đang phấn đấu để đạt loại khá trong thời gian đến. Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh có 3.616 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt (tỷ lệ 92,8%), 278 tổ xếp loại khá. Công tác thu lãi của các tổ vay vốn được duy trì đều đặn hằng tháng, tỷ lệ thu lãi đạt hơn 100% số lãi phải thu.
Mời bạn đọc xem clip:
.
Tổng nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH Quảng Nam đến ngày 30.6 là hơn 4.183 tỷ đồng, tăng hơn 98,7 tỷ đồng so với quý I và tăng hơn 189,1 tỷ đồng so với đầu năm. Theo ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam, ngành đã nỗ lực thực hiện tốt việc huy động vốn theo chỉ tiêu Trung ương giao, đồng thời vận động các hộ vay vốn tham gia gửi tiết kiệm qua tổ. UBND tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã cũng đã trích bổ sung, tăng nguồn vốn cho vay qua kênh Ngân hàng CSXH Quảng Nam. Vì vậy, các chỉ tiêu kế hoạch về huy động vốn đều đạt, vượt, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, các gia đình chính sách trên địa bàn.
Nhờ huy động vốn tốt nên tổng doanh số cho vay trong 6 tháng qua đạt ở mức cao là hơn 810,2 tỷ đồng, tăng 208 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Các chương trình vay vốn nổi bật là cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ nghèo, chương trình hỗ trợ và tạo việc làm... Tổng dư nợ đến ngày 30.6 đạt hơn 4.173 tỷ đồng, tăng hơn 117,2 tỷ đồng so với quý I, tăng hơn 203,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 71% kế hoạch với 139.256 khách hàng còn dư nợ.
Chất lượng tốt
Hơn 5,9 tỷ đồng nợ quá hạn và nợ khoanh Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, cùng với việc thực hiện tốt công tác huy động vốn, giải ngân vốn kịp thời, ngành đã thực hiện tốt các giải pháp duy trì chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ vay, chủ động phân tích, đối chiếu, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để xử lý kịp thời các trường hợp hộ vay đến hạn, xử lý nợ rủi ro. Đến ngày 30.6, nợ quá hạn và nợ khoanh là hơn 5,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,14%. Trong đó nợ quá hạn hơn 1,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,05%; nợ khoanh hơn 4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,09%. |
Ông Hồ Thanh Tân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, nguồn vốn chính sách xã hội giải ngân cho các hộ gia đình miền núi phát huy hiệu quả cao trong thời gian qua. Các huyện miền núi đã bám sát vào các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ, tiếp cận vay vốn thông qua kênh chính sách xã hội, triển khai rất nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập khá như trồng cây dược liệu, trồng rừng, chăn nuôi.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở cũng đã triển khai tốt ở các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Giang... giúp các hộ vay vốn được “khai thông” tâm lý trông chờ, ỷ lại hỗ trợ của Nhà nước, thay vào đó gửi tiền tiết kiệm, trả nợ và lãi đúng hạn. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, nên nhiều mô hình kinh tế mới đã được đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, triển khai thí điểm hiệu quả và từng bước nhân rộng tại các huyện miền núi, qua đó chất lượng sống ngày càng nâng cao hơn.
Nhờ tiếp cận tín dụng chính sách xã hội, người dân phát triển kinh tế rừng đạt hiệu quả. Ảnh: QUANG LINH |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đánh giá cao hoạt động của Ngân hàng CSXH Quảng Nam và các phòng giao dịch trong 6 tháng qua. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến được với 23.662 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các gia đình chính sách, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, trong đó có nhiều lao động ở nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 10.588 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được đầu tư; 184 ngôi nhà cho hộ nghèo được xây mới. Từ đầu năm đến nay, có 2 chương trình tín dụng chính sách xã hội mới được triển khai cho vay tốt là phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và cho vay nhà ở xã hội. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ trong thời gian qua là Phước Sơn, Nam Trà My, Quế Sơn, Tây Giang, Hiệp Đức...
“Ngân hàng CSXH Quảng Nam và các phòng giao dịch cần giải ngân nhanh các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao, chú trọng triển khai cho vay chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho hộ nghèo, tiếp tục rà soát, bổ sung thêm chỉ tiêu tăng trưởng một số chương trình, phấn đấu dư nợ tăng trưởng năm 2018 đạt 8-10%. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, các địa phương giữ vững chất lượng tín dụng, khắc phục nợ quá hạn, nâng tỷ lệ thu nợ đến hạn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.
V.QUANG - M.LINH