Kiểm dịch & kiểm định
Hai loại dịch vụ công này được đặt gần nhau không hoàn toàn là ý định của tôi mà đó là sự liên tưởng từ một “bạn đọc” facebook. Clip đăng tải trên trang cá nhân của một đồng nghiệp về ngón nghề điêu luyện của cán bộ đóng dấu kiểm dịch động vật đã thu hút nhiều bình luận, trong đó sự liên tưởng như trên khiến tôi nhớ lại những gì mình đã nghe thấy về hai loại dịch vụ này, nên góp bàn một chút hầu bạn đọc.
Kiểm dịch động vật và kiểm định phương tiện giao thông trên thực tế là những dịch vụ công có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo sức khỏe và tính mạng con người, nhưng những gì tôi được nghe thấy lại có vẻ rất hờ hợt, qua quýt. Ở các trạm kiểm dịch động vật được đặt trên tuyến quốc lộ, hằng ngày đón nhiều lượt phương tiện vận tải gia súc, gia cầm ngang qua, nhưng nếu không phải trong thời điểm dịch bệnh thì chỉ trong vòng vài phút đã có ngay giấy thông hành được đóng dấu đỏ. Chuyện cấp phiếu kiểm dịch dễ đến nỗi, dù bằng mắt thường người ta cũng không thèm ra phương tiện để kiểm tra đàn gia súc mà ào ào cho qua. Clip được đăng tải trên trang cá nhân đồng nghiệp của tôi còn mô tả cảnh một cán bộ đóng dấu phiếu kiểm dịch vệ sinh thú ý nhanh như điện, đóng một tập sẵn để giải quyết với tinh thần cấp phát “nhanh, gọn”.
Và tinh thần này cũng diễn ra ở các lò mổ gia súc và trung tâm kiểm định xe cơ giới. Một “bảy đáp” từng tiết lộ với tôi, chuyện đóng dấu trên heo chủ yếu chỉ là thủ tục chứ chẳng phải là bằng chứng chất lượng gì. Cán bộ thú y đâu có kiểm tra con heo trước khi mổ đâu mà biết, và nếu có kiểm tra, đóng được cái dấu thì cũng chưa chắc miếng thịt ta mua ngoài chợ đảm bảo chất lượng, hoặc đảm bảo rằng đó là miếng thị trong con heo đã được đóng dấu. Còn đối với kiểm định phương tiện giao thông cơ giới, nhiều chủ phương tiện than với tôi rằng vào đó sợ tốn tiền hơn là sợ bị đánh rớt chất lượng. Thậm chí, khi có ít chi phí bồi dưỡng, người ta còn mạnh dạn “đẩy” phương tiện vào khám và rồi cũng được giải quyết “nhanh, gọn”, xe hư gì thì chủ tự biết, tự sửa. Có vụ nào cán bộ kiểm định bị truy cứu trách nhiệm vì khám hời hợt, dẫn đến tai nạn giao thông đâu mà lo.
Kiểm dịch và kiểm định như đã nói là dịch vụ công rất quan trọng, nhưng thực tế nó dần bị quan niệm là những thủ tục bắt buộc, trong khi kết quả được hiểu là những bằng chứng chất lượng. Chính vì vậy, những bằng chứng chất lượng này đã tạo ra sự nghi ngờ và thái độ thờ ơ của người dân và cũng là “môi trường” dễ khiến cơ quan chuyên môn lơ là với chức năng kiểm soát, đảm bảo sự an toàn cho xã hội. Thậm chí, tình trạng kiểm soát qua quýt này còn gây ra bức xúc, mất niềm tin của người dân với cơ quan công quyền. Điều đáng nói, đây lại là thực trạng chung của nhiều loại dịch vụ công hiện nay.
C.B.L