Lại một mùa buồn...
Theo công bố điểm thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT: môn lịch sử trong số 563.013 thí sinh dự thi thì có 468.628 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm 83,24% (có đến 1.277 thí sinh bị điểm liệt, trong đó có 527 thí sinh bị điểm 0). Với mức điểm trung bình trên cả nước là 3,79, môn Sử là môn có điểm thi thấp thảm hại.
Tôi tham vấn thầy giáo có thâm niên mấy chục năm dạy sử về con số này, thầy ừ, năm nào cũng vậy, những cơn mưa điểm kém sẽ còn kéo dài, dai dẳng, nếu ngành giáo dục vẫn tiếp tục chọn cách đào tạo như hiện nay. Nguyên nhân thì có nhiều, ví như chương trình trong sách giáo khoa nặng nề, chi tiết, hàn lâm, học sinh không tiếp thu nổi. “Trò buộc phải nuốt một món ăn không thích, nên cứ nuốt vào là trào ra. Giáo viên phần lớn không giỏi, cứ bám sách giáo khoa, mà nhiều khi cũng chẳng thuộc nổi các sự kiện lịch sử để giảng, thì làm sao tạo hứng thú cho học trò? Đề thi sử lại vô cùng khó, người ra đề không giỏi kỹ năng với loại đề trắc nghiệm; không có sự logic giữa các sự kiện, thời điểm để thí sinh có thể phân tích mà đưa ra đáp án đúng”, thầy giáo nói. Tất nhiên, đây chỉ nói về số đông, không nói về những học trò mê môn Sử, những giáo viên giỏi dạy Sử.
Một giáo viên coi thi kể rằng, trong buổi thi môn Sử, có thí sinh chỉ làm bài chừng 15 phút và sau đó úp mặt lên bài làm… ngủ. Mãi đến khi còn khoảng 30 phút là hết giờ, cô đập trò dậy, hỏi “sao không làm bài?”, bảo “đã làm xong từ sớm”. Liếc nhìn vào bài thi, cô giáo thấy từ trên xuống dưới, thí sinh chỉ chọn tréo vào ô “c”. Cái sự… tréo đại có lẽ diễn ra ở tất cả môn thi trắc nghiệm, không riêng gì môn Sử.
Nhìn con số 83,24% điểm dưới trung bình này, anh đồng nghiệp của tôi chia sẻ: “Tôi tự hào mình là người nắm sử Việt khá tốt. Nhưng tôi không học từ sách giáo khoa mà đọc rất nhiều sách chính sử, dã sử của các tác giả trong nước lẫn nước ngoài. Thật lòng mà nói, viết Việt sử như sách giáo khoa từ trước tới nay, buộc học sinh phải nhớ các con số như học Toán, thì không thể cải thiện tình hình”.
C.B.L