Bảo vệ khoáng sản quý hiếm
HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản yêu cầu siết chặt quản lý và kiểm soát các dự án cấp phép khoáng sản. Thế nhưng, nhiều nơi vẫn để khoáng sản trôi chảy và phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực cho môi trường và xã hội.
Khai thác đất san lấp mặt bằng khu giết mổ gia súc tập trung tại xã Tam Dân nhưng doanh nghiệp không có giấy tờ hợp pháp nào. Ảnh: T.H |
Tác động rừng tự nhiên
Hàng nghìn mét khối đất đỏ tại đồi Đá Đen (thôn Khánh An, xã Tam Dân, Phú Ninh) đã bị lấy đi để san lấp mặt bằng công trình giết mổ gia súc tập trung của xã. Điều đáng nói, chủ đầu tư của dự án này là Hợp tác xã Đại Phát (trụ sở thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) đã mua lại đất từ người dân mà không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào. Tương tự, tại địa bàn huyện Duy Xuyên, núp dưới danh nghĩa lấy đất san lấp công trình chợ, nông thôn mới, có địa phương còn tận thu đất trái quy định của Luật Khoáng sản. Tại các xã Trà Sơn, Trà Tân (Bắc Trà My), khoáng sản thiếc nằm sâu trong rừng, trước đây doanh nghiệp và chính quyền bỏ tiền thuê lực lượng canh giữ tại các điểm nóng nhưng gần đây giao về cho các địa phương quản lý. Tình trạng “thiếc tặc” tuy ít hoành hành hơn trước nhưng vẫn lén lút khai thác. Ông Bùi Văn Ba – Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên môi trường (TN&MT) nhìn nhận: “Vàng thiếc, than đá phân bổ chủ yếu ở trung du, miền núi nằm phân tán, không tập trung nên khâu quản lý, bảo vệ thường rất khó khăn”.
Nghịch lý nằm ở chỗ, Quảng Nam đã chủ trương đóng cửa rừng lâu nay, nhưng vẫn có không ít dự án khoáng sản tác động đến rừng tự nhiên. Tại khu 1, mỏ than Sườn Giữa (xã Đại Hưng, Đại Lộc), Bộ TN-MT đã cho phép Công ty CP Tập đoàn Thái Group thăm dò khoáng sản trên diện tích hơn 323ha từ năm 2016 đến nay. Tương tự, hàng chục ki lô mét vuông được bộ này chấp thuận cho các doanh nghiệp thăm dò, đánh giá trữ lượng vàng, than đá, đá vôi, các loại khoáng sản khác tại các huyện miền núi. Hầu hết giấy phép khai thác, thăm dò trữ lượng đều “đụng” đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Theo thống kê, có ít nhất 20 khu vực được Bộ TN&MT và UBND tỉnh cho chủ trương lập thủ tục điều tra, thăm dò, cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho doanh nghiệp. Thực tế, không ít doanh nghiệp mượn “lá bùa” cấp phép thăm dò đã lén lút khai thác tài nguyên, gây bức xúc cho người dân. Chủ trương, hệ thống các văn bản của Nhà nước “đá nhau” cũng gây khó khăn cho công tác quản lý. Rõ nhất là Chỉ thị số 13 ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nội dung không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương ở miền núi vẫn cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động khai khoáng trong rừng tự nhiên.
Gỡ vướng mắc
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Viễn cho rằng, việc không thống nhất cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang khai thác khoáng sản sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp về chi phí thực hiện lập hồ sơ, thủ tục điều tra, thăm dò. Ngoài ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguồn nguyên vật liệu cho các nhà máy đang hoạt động. “Sở kiến nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét cho phép các đơn vị được Bộ TN-MT, UBND tỉnh cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng và diện tích các dự án điều tra có trữ lượng được Bộ TN-MT cho phép trước ngày ban hành Chỉ thị số 13 ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, phòng hộ và đặc dụng sang khai thác khoáng sản” - ông Viễn đề xuất.
Nhằm tăng cường tính minh bạch trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tính đến ngày 7.6.2018, UBND tỉnh ban hành 265 quyết định với tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt gần 284 tỷ đồng. Tính đến nay, thu từ tiền đấu giá cấp quyền khai thác hơn 185 tỷ đồng. Tuy vậy, về thực hiện pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Sở TN-MT cũng chỉ ra hàng loạt vướng mắc. Chẳng hạn, thẩm quyền cấp giấy phép khai thác cát trắng trong diện tích đầu tư các dự án công nghiệp, xây dựng công trình đều thuộc Bộ TN-MT nên thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản tốn nhiều thời gian. Vì vậy, việc lập thủ tục pháp lý theo quy định hiện nay không đáp ứng được tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng gây lãng phí tài nguyên (đối với dự án xây dựng chồng lên cát trắng) hoặc chậm tiến độ xây dựng (đối với công trình phải hạ cos nền và vận chuyển cát trắng dư thừa đi nơi khác). “Thời gian qua, một số doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định, trong khi số tiền ký quỹ không đủ để lập thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản” - ông Viễn nêu bất cập.
TRẦN HỮU