Ý nghĩ bâng quơ

LÊ TRƯỜNG AN 12/07/2018 12:54

Tôi xuống công trường. Và tôi thấy người ta bơm nước ngầm lên từ những hố móng, nước tung tóe vỡ ra thành vô vàn hạt ngọc sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, trông tuyệt  đẹp. Nhìn dòng nước chảy tràn, tôi không khỏi băn khoăn, người ta bơm nước sạch lên để xây dựng công trình, còn dòng nước lại bỏ phí, mặc cho nó chảy đi xuống cống thật hoang phí... Để có một mạch nước ngầm cần phải có một thời gian rất lâu. Nước tích tụ trong các lớp đất đá dưới lòng đất. Nước trong lớp đất mặt bị bốc hơi, cây hấp thụ, phần còn lại đi thẳng xuống các lớp nham thạch trong lòng đất làm bão hòa các lỗ hổng bên trong, khiến cho các lớp đá này ngậm nước tạo nên mạch nước ngầm. Quá trình này diễn ra từ vài chục đến hàng trăm năm. Nước ngầm có vai trò quan trọng trong đời sống và phát triển bền vững.

Nghĩ vậy, xa xôi quá... Tôi nhớ tuổi thơ của mình, nhớ những ngày hè ở nhà ông ngoại. Quê ngoại tôi là một làng quê nghèo yên tĩnh. Ít người lui tới, đến nỗi, người ta gọi nơi ấy là xóm Mồ Côi. Ngay cả mạch nước ngầm cũng không đến đấy. Giếng làng đào mấy cái đến mùa nắng hạn đều cạn khô. Người dân quê ngoại tôi phải đi thồ nước ở thôn kế bên bằng chiếc xe đạp buộc chằng đôi trành gỗ và những chiếc thùng thiếc. Giếng nước xa, đường bờ ruộng lại nhỏ, nước trong thùng cứ sóng sánh nghiêng chao, thồ nước về đến nhà chỉ còn hơn phân nửa thùng thiếc.

Người dân quê nảy ra sáng kiến là xé lá chuối tươi thả trên mặt thùng nước để có lắc chao nước đỡ thất thoát ở dọc đường. Và mỗi thùng nước về được đến nhà đều quý như... dầu lửa vậy. Trời ngày hè nóng bức nhưng tiêu chuẩn mỗi lần tắm cho một người chỉ là... 3 lon bia (330ml) nước. Người không khéo, xối xong 3 lon bia ấy, nước vẫn chưa ướt hết người. Bây giờ quê ngoại tôi đã có nước máy nhưng những người thuộc lớp trung niên ở làng vẫn không bao giờ quên có một thời khan hiếm nước như vậy.

Nghĩ ngợi lan man chuyện nước, bất chợt tôi nhớ một tài liệu đọc về kiến trúc sinh thái. Ngoài những tiêu chí về tự sản xuất năng lượng, sử dụng vật liệu tái chế, việc sử dụng nước tiết kiệm cũng rất quan trọng. Người ta đã thu hứng nước mưa trên mái và dẫn chúng vào hệ thống ống đi trong tường nhà để làm mát ngôi nhà. Nước được đưa đến hệ thống lọc và trữ trong các bồn chứa để ăn uống, lau nhà, tưới cây... không bỏ phí một giọt nào cả. Thật là thú vị.

Hôm vừa rồi, tôi cùng mấy người bạn tụ tập ở nhà một anh bạn để nấu ăn trưa. Tôi lãnh phần lặt và rửa rau. Nước từ vòi chảy xuống đôi bàn tay tôi mát lạnh,  đổ xuống bồn nước rồi theo ống dẫn chảy ra ngoài, nơi anh bạn trồng mấy khóm rau, vài dây bí và dăm bụi sả. Cây trồng được nước tận dụng từ bồn nước tưới thường xuyên nên đua nhau lên xanh mướt. Cách làm đơn giản nhưng anh bạn tôi đã chọn cho mình một lối sống xanh với cảnh quan môi trường thân thiện. Tôi chợt nhớ câu chuyện về một nhà sư trẻ đã đọc thuộc 84 vạn cuốn kinh kệ nhưng không sao khai ngộ được. Nhà sư trẻ quyết định leo lên núi cao để thụ giáo một chân sư. Gặp được cao nhân, nhà sư trẻ bèn hỏi ngay cái điều mà mình không sao tìm được câu trả lời và nhờ cao nhân khai ngộ giúp. Vị sư già đang rửa tay, chậm rãi bảo: “Con hãy đổ thau nước này đi cho ta rồi vào đây nói chuyện”. Nhà sư trẻ bưng thau nước hắt ra sân. Vị sư già thấy vậy, hỏi: “Sao không đem thau nước tưới cho chậu hoa ngoài kia?”. Nhà sư trẻ nghe vậy liền khai ngộ. Thì ra, mọi vật đều có cái lý để tồn tại, không có vật gì là đồ bỏ đi...

Nước ngầm lên từ những hố móng bơm lên trong vắt cứ chảy tràn ra khắp nơi rồi tuôn xuống cống. Tại sao người ta không lấy một cái bồn thật lớn, đựng nước sạch đang bơm lên để cuối ngày làm việc, tha hồ tắm rửa? Tôi lan man với ý nghĩ bâng quơ...

LÊ TRƯỜNG AN

LÊ TRƯỜNG AN