Ứng phó có trật tự
Sau bao nỗ lực, cuối cùng tất cả thành viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan cũng được giải cứu thành công. Cách ứng phó trong cơn hoạn nạn và hình ảnh can trường của đội bóng làm tôi nhớ tới câu chuyện của những ngư dân vượt qua sóng gió, trở về từ tâm bão Chanchu cách đây mười mấy năm.
Trên chiếc tàu tả tơi đang neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều năm đó, một chủ tàu ở Duy Xuyên nói, về đến bờ, ông mới tin rằng mình và bạn biển sống sót thần kỳ. Ông kể, tàu vừa lọt vào tâm bão Chanchu thì bị phá nước, vết rách chạy dài như nhát chém, tia nước bắn vào mạnh rát da, chỉ một lát là tàu lửng đửng, chực ngã quỵ trước những con sóng hung hãn. Lúc đó trên tàu có 21 con người, ai cũng không ngại hiểm nguy, xông ra để chống chọi với cơn cuồng nộ của biển cả. Một nhóm người thì lo cột nới những vật nặng xuống biển nhằm cố định hướng mũi tàu, không cho sóng đánh úp; một nhóm phân công nhau lấy vật dụng, thậm chí cởi áo quần đang mặc be vào vết rách, rồi thay nhau chèn chân vào giữ cố định cho đến khi tê tái; một số khác thì hì hục tát nước, có người bị thương đã tát bằng một tay... Và cuối cùng, sau hơn 10 tiếng đồng hồ, chiếc tàu mới thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Ông chủ tàu nói rằng mình và bạn biển đã vượt qua bão tố vì đã biết nương tựa vào nhau, trong cơn hoảng loạn đã biết ứng phó có trật tự với hiểm nguy...
Ứng phó có trật tự, không hoảng loạn dường như là bài học của ông chủ tàu và bạn biển của mình. Ở cuộc giải cứu đội bóng nhí bị kẹt trong hang tại Thái Lan, qua thông tin của báo chí cũng có thể thấy được nhiều bài học về cách ứng phó, giải quyết các tình huống rất chuyên nghiệp, có trật tự để vượt qua hoạn nạn. Ví như chiến dịch giải cứu có tới hơn 1.000 người tham gia đến từ nhiều nước, nhưng trong hang Tham Luang không có sự phân biệt màu da, quốc tịch, cũng không có sự nghi ngờ về chuyên môn của nhau. Dù vẫn còn rào cản ngôn ngữ, đội cứu hộ đã làm việc một cách đoàn kết và đầy tình người. Ở khía cạnh khác, báo chí cũng cho biết dư luận Thái Lan và quốc tế hầu như không trách móc những đứa trẻ đi vào hang trong mùa mưa, các cơ quan chức năng cũng không thấy đỗ lỗi cho nhau mà hướng tới mục tiêu cuối cùng là đưa các thiếu niên ra ngoài. Hay một chi tiết là nhà chức trách không tiết lộ tên của 4 đứa trẻ vừa được đưa ra khỏi hang trong đợt giải cứu đầu tiên vì tôn trọng các gia đình khác...
Học cách ứng phó với hoạn nạn không bao giờ thừa. Trong nhiều môi trường làm việc tiềm ẩn rủi ro như hiện nay, tai nạn xảy ra không phải là hiếm. Đặc biệt với Quảng Nam, bão lụt, động đất thường xuyên xảy ra, thì phải cần đến các tình uống ứng phó chuyên nghiệp hơn. Kể cả công tác khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân, hay thậm chí là tình nguyện giúp đỡ cộng đồng cũng cần những phương án chuyên nghiệp để khắc phục sự rối rắm, thiếu trật tự, thậm chí là tình trạng xon xen cho có như từng xảy ra trong nhiều tình huống trên địa bàn tỉnh.
C.B.L